Khởi động cơ chế tài chính mới với các trường ĐH

(Dân trí) - Vấn đề quản lý tài chính của các trường ĐH ngày càng trở nên cấp bách, vì quy mô đào tạo ngày càng lớn. Việc quản lý các trường không thể tiếp tục bằng kinh nghiệm. Vì vậy năm 2007, ngành GD-ĐT sẽ khởi động xây dựng cơ chế tài chính mới đối với các trường ĐH.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cùng với việc tăng ngân sách nhà nước dành cho GD-ĐT năm 2007, vấn đề tài chính của Bộ GD-ĐT sẽ đi vào nề nếp để đến năm 2010 tất cả các ĐH tự chủ sẽ phải được kiểm toán.

 

Cùng đó, vấn đề tài chính của khu vực này  trong năm 2006 còn khá nhiều nhức nhối như một số trường ĐH do làm thủ tục chậm đã không giải ngân được kế hoạch vốn năm 2006 và phải có văn bản xin trả lại ngân sách nhà nước; có dự án được đầu tư bằng nguồn vay ODA cũng không giải ngân được...

 

Để cải thiện tình hình này, Bộ trưởng Nhân đã đưa ra 4 giải pháp. Đó là:

 

1. Bộ GD-ĐT sẽ bàn lại với Bộ Tài chính về việc phân cấp cho các trường kèm theo các điều kiện sau: tăng năng lực quản lý tại chỗ; phân cấp trên cơ sở triển khai các tiêu chí; tăng cường kiểm tra và khuyến khích hiệu quả sử dụng...

 

Phải có tiêu chí đầu tư và hiệu quả rõ ràng: Khi đầu tư cho các ĐH trọng điểm thì 5 năm sau các trường đó phải tăng được giá trị dịch vụ KHCN cao hơn so với trước khi đầu tư như thế nào.

 

2. Sẽ thiết lập mối quan hệ giữa kinh phí và chất lượng . Theo đó, các trường ĐH không kiểm định sẽ không được cấp ngân sách. Đến năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm định và xếp hạng các trường.

 

3. Cấp kinh phí cho đào tạo nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh sẽ được cấp kinh phí và không phải làm “chay” như hiện nay. Kèm theo đó là điều kiện vavs trường ĐH nếu không đạt tỷ lệ 20% giảng viên là tiến sỹ thì sẽ phải ngừng hoạt động. 

 

4. Điều chỉnh việc giao chỉ tiêu cho các trường ĐH, CĐ theo tinh thần: Chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ giáo viên/đầu sinh viên; chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cũng sẽ được quy đổi ra các tiêu chí.

 

Các tiêu chí này sẽ được công bố vào nửa đầu năm 2007. 

 

Trong năm 2007, Bộ GD-ĐT ưu tiên kinh phí đầu tư cho các chương trình đổi mới giáo dục cho các trường sư phạm trọng điểm, các vùng Tây nguyên, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long.

 

Hiện, Bộ cũng đang xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục ĐH và sẽ trình Chính phủ trong năm nay.

 

P.V