Lọc ảo khối sức khỏe: Điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội giảm, phía Nam biến động

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Mặc dù được dự báo điểm chuẩn khối B0 sẽ tăng do phổ điểm thi cao nhưng kết quả lọc ảo tuyển sinh vào một số trường khối ngành sức khỏe lại gây bất ngờ.

Lọc ảo khối sức khỏe: Điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội giảm, phía Nam biến động - 1

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội trong một buổi khám từ thiện cho người dân (Ảnh: ĐHYHN).

Chỉ còn 1 ngày nữa, điểm chuẩn tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ được các cơ sở giáo dục "chốt" sau 6 lần lọc ảo. 

Tính đến sáng nay (19/8), các trường đã trải qua 4 ngày lọc ảo với những biến động nhất định về điểm số. Đáng chú ý, kết quả lọc ảo của ngành sức khỏe đang có nhiều bất ngờ. 

Theo lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội, mặc dù điểm thi khối B00 năm nay khá cao nhưng qua 4 lần lọc ảo, điểm chuẩn của những ngành cao nhất không cao như dự đoán. Thậm chí, điểm chuẩn đang ở mức thấp hơn năm 2022.

Cụ thể, ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến khoảng 27,5 đến 28 điểm. Ngành răng - hàm - mặt có mức chuẩn thấp hơn ở khoảng 27 đến 27,5 điểm. Những ngành khác dao động trong khoảng từ 19 đến 26 điểm.

Như vậy, mức điểm chuẩn ngành y khoa có thể giảm từ 0,15 đến 0,65 điểm so với năm 2022 (lấy 28,15 điểm). Tương tự, răng - hàm - mặt giảm có điểm chuẩn giảm từ 0,2 đến 0,7 điểm so với năm 2022 (lấy 27,7 điểm).

Điều này mang đến những bất ngờ do trước đó, các chuyên gia đều dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng. Dự đoán trên dựa vào cơ sở phân tích đề thi tốt nghiệp THPT 2023, phổ điểm truyền thống liên quan đến nhóm ngành sức khỏe là A00 (toán, lý, hóa), B00 (toán, hóa, sinh) có biến động.

Số thí sinh có điểm xét tuyển từ 26 đến 28 và từ 28 đến 30 điểm cao hơn năm 2022. Trong khi tổng chỉ tiêu của trường không thay đổi, do đó, dự kiến điểm chuẩn của nhóm ngành y khoa sẽ tăng.

Lọc ảo khối sức khỏe: Điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội giảm, phía Nam biến động - 2

Theo phổ điểm, mức điểm 29 của năm 2023 có 23 thí sinh, trong khi năm 2022 chỉ có 13 thí sinh đạt được. Mức điểm 28,5 năm 2023 có 94 thí sinh trong khi năm 2022 có 68 thí sinh (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Trước đó, trường này đưa ra mức điểm sàn cao nhất 23,5 điểm với ngành y khoa, răng - hàm - mặt, tiếp đến ngành y học cổ truyền 22 điểm, y học dự phòng 20 điểm. Các mức này cao hơn 1 điểm so với sàn của Bộ GD&ĐT.

Trong khi đó, ông Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho biết trải qua 4 lần lọc ảo, các ngành khối sức khỏe đang cơ bản giống với điểm sàn. Riêng ngành răng - hàm - mặt điểm chuẩn có thể nhỉnh hơn.

Mức điểm sàn được nhà trường ấn định đối với các ngành răng - hàm - mặt và y khoa là 22,5 điểm. Thí sinh xét tuyển ngành dược học cần đạt tối thiểu 21 điểm. Thí sinh xét tuyển ngành điều dưỡng và ngành kỹ thuật xét nghiệm y học cần đạt tối thiểu 19 điểm.

Năm 2022, điểm chuẩn vào Trường ĐH Văn Lang cụ thể: Ngành răng - hàm - mặt lấy 23 điểm, ngành dược học lấy 21 điểm, điều dưỡng và xét nghiệm y học lấy 19 điểm.

Lọc ảo khối sức khỏe: Điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội giảm, phía Nam biến động - 3

Sinh viên ngành y tại Trường ĐH Văn Lang (Ảnh: VLU).

Lãnh đạo một trường đại học có khối ngành sức khỏe khác lại bày tỏ bất ngờ bằng câu hỏi: "Thí sinh ngành sức khỏe đi đâu?".

Vị này cho biết, so sánh tương quan mặt bằng chung với các ngành khác, năm nay, khối ngành sức khỏe có lượng hồ sơ không tăng, thậm chí giảm ở một số ngành khó tuyển như điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật phục hồi chức năng. 

Ngay cả ngành dược vốn rất tiềm năng cũng cho thấy lượng hồ sơ chưa tương xứng. 

"Chúng tôi đang chạy lọc ảo bằng điểm sàn mà kết quả đem lại không mấy khả quan. Dự báo trong những năm tới, nhân lực ngành khối sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng phần nào do thí sinh không còn mặn mà như trước", vị này cho hay.

Thủ khoa khối B không chọn ngành y

Năm 2022, một trong hai thủ khoa khối B đạt 29,35 đã quyết định đặt nguyện vọng 1 vào nhóm ngành kinh tế, Trường ĐH Ngoại thương, thay vì theo đuổi ngành y như từng dự định.

Nam sinh quê Thái Bình cho hay em muốn học trong thời gian ngắn hơn để đi làm nhanh hơn.

Một vài năm gần đây, số lượng thí sinh quan tâm tới khối ngành sức khỏe có chiều hướng chững lại do sau đại dịch Covid-19 thấy rõ áp lực lớn lên nhân lực y tế ngành y. Trong khi, mức thu nhập hiện nay chưa tương xứng với công sức của cán bộ y tế.

Cùng với đó, mức học phí của khối ngành này ngày càng cao, tiêu chuẩn về chất lượng, chứng chỉ hành nghề mỗi lúc thêm khắt khe, thời gian đào tạo kéo dài... khiến số thí sinh giảm sút.

Chưa kể, năm nay, Bộ GD&ĐT tăng 0,5 điểm sàn ở hai ngành y khoa và răng - hàm - mặt cũng khiến một số thí sinh mất cơ hội từ "vòng gửi xe".

Một số lãnh đạo trường đại học khác cũng lo lắng về kết quả tuyển sinh không như mong đợi.

"Số lượng nguyện vọng nhà trường được báo về khá lớn nhưng số trúng tuyển khi lọc ảo xong lại ít, chưa tương xứng với hồ sơ ban đầu. Tôi thắc mắc thí sinh đang nằm ở đâu? Có thể, một số trường top trên chưa "nhả" thí sinh ra", lãnh đạo một trường phía Nam cho hay. 

Vị này dự đoán 2 lần lọc ảo sau, điểm chuẩn các trường top dưới có thể biến động mạnh sau khi các trường top trên chốt điểm chuẩn cuối cùng.

Từ nay đến 20/8, còn 2 lần lọc ảo trước khi xác định điểm chuẩn đại học. Sau khi hoàn thành quá trình lọc ảo, các trường sẽ bắt đầu công bố điểm trúng tuyển đợt 1.