Lòng nhân ái của bà giáo Sang

Sau gần 40 năm liên tục đứng lớp ở Trường tiểu học xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, bà giáo Nguyễn Thị Sang được nghỉ hưu. Năm 1995, khi xã tổ chức một lớp học tình thương gồm những trẻ khuyết tật, mồ côi, bà tình nguyện đến dạy.

Trong khi đó, bà vẫn bảo đảm tốt vai trò tổ trưởng chuyên môn khối lớp 1, lên lớp hàng ngày. Riêng lớp học tình thương, học buổi chiều, xa nhà, bà phải đạp xe đi về hơn 6km. Có những cháu đi lại khó khăn, bà còn chủ động đi sớm, về muộn để đưa, đón, không để học sinh đi học muộn hay bỏ dở chương trình.
 
Năm 2004, ở gần nhà bà có cháu Nguyễn Hải Long không được đi học bởi bố, mẹ bỏ nhau. Bà có ý định đón cháu Long về nuôi, đi học. Sau nhiều đêm suy nghĩ, thuyết phục chồng, hai con trai để có sự đồng thuận... cuối cùng, nguyện vọng của bà đã được gia đình chấp nhận. Được mẹ Sang hết lòng yêu thương, dạy dỗ, cháu tiến bộ từng ngày. Từ lớp 2 đã đạt danh hiệu tiên tiến, lớp 3, 4, 5 là học sinh giỏi. Để có kết quả ấy, bà không chỉ làm tốt nhiệm vụ một cô giáo ở lớp mà còn dạy cháu cách ăn, ở, cư xử với mọi người trong nhà, với bà con xung quanh. Do mặc cảm, lại bị một số bạn trêu chọc, đã mấy lần Long bỏ học, nói năng thiếu suy nghĩ, bà khuyên nhủ, căn dặn Long đủ điều. Hiểu ra, Long coi gia đình bà như tổ ấm mới, phấn đấu học giỏi để đền đáp công ơn của bà và gia đình. Hè 2009, Long được nhận giải thưởng "Học sinh nghèo vượt khó học giỏi" của trường và địa phương.
 
Lòng nhân ái của bà giáo Sang  - 1
Bà giáo Nguyễn Thị Sang và học trò Nguyễn Hải Long.
 
Điều trân trọng là sau khi nghỉ hưu, bà lên xã xin dạy tiếp lớp học tình thương và được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trợ cấp để lớp học tồn tại. Hiện số học sinh lên đến 25 cháu từ lớp 1 đến lớp 5 (có 1 cháu liệt 2 tay, 1 cháu liệt tay phải, 2 cháu mắt chỉ còn 2/10, 4 cháu nói ngọng, còn lại là thiểu năng trí tuệ). Khó khăn là thế nhưng nhờ bà sẵn có kinh nghiệm, lớp học diễn ra thuận lợi, các cháu tiến bộ hàng ngày. Bà may 25 bộ đồng phục cho học sinh bằng lương hưu của bà và trợ cấp của xã. Bà bảo: "Có quần áo đẹp để mặc vào dịp khai giảng, đón khách đến thăm, đi thăm quan các nơi. Đồng phục còn thể hiện sự thống nhất, nền nếp sư phạm, nhắc cô và trò phải dạy tốt, học tốt". Việc làm và tình cảm của bà giáo dành cho lớp, đã có tác động đến cộng đồng. Hằng năm, xã mua sách vở, bút mực cho các cháu. Nhiều nhà hảo tâm tặng đồng hồ treo tường, lọ và hoa đẹp, tranh ảnh, bàn ghế đúng quy cách, bảng, phấn cho người dạy.

Nhìn lại quá trình giảng dạy của bà, cả khi còn công tác ở trường (chính quy) cũng như khi dạy các lớp học tình thương, bà trọng cái Tâm, dựa vào cái Tâm để khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, hướng đến mục đích duy nhất: Mọi trẻ em đều được học hành, làm người có ích. Bà mong muốn: Xã hội ta không còn trẻ lang thang, các cháu được học hành và lớn lên có việc làm.

Tiếng lành đồn xa. Tại hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến có tựa đề "Thầy, cô giáo Hà Nội nhận, chăm sóc trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" do Công đoàn giáo dục TP Hà Nội tổ chức, cuối năm 2009, báo cáo tham luận của bà được lãnh đạo và các đồng nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh

Theo Nguyễn Hồng Kỳ
Người cao tuổi