May và rủi trong chấm thi ĐH 2007

(Dân trí) - Đối với 4 môn tự luận, khả năng may, rủi là hoàn toàn có thể. Chẳng hạn như với những trường hợp vẽ đồ thị bằng bút chì, theo quy chế, thí sinh đã phạm quy nhưng tuỳ theo người chấm, bài làm này của thí sinh vẫn được linh động và chấm bình thường.

Đối với 4 môn trắc nghiệm thì phụ thuộc vào độ nhạy của máy chấm, tuy nhiên, với thi trắc nghiệm thì giảm thiểu được sự may rủi hơn - TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT đã cho biết như vậy.

Cũng theo TS Nguyễn An Ninh, bắt đầu từ hôm nay (11/7), nhiều trường đã bắt tay vào chấm thi. Với tốc độc của mỗi máy chấm trắc nghiệm là 4.000 đến 5.000 bài thi/giờ, điểm thi năm nay có khả năng sẽ có sớm hơn mọi năm và khoảng 5/8 là các trường có thể đã công bố kết quả.

Với 4 môn thi trắc nghiệm, điểm thi của thí sinh năm nay liệu sẽ cao hay thấp hơn năm 2006, thưa ông?

Đặc điểm nổi bật của đề thi trắc nghiệm là không có thí sinh nào không làm được nhưng  cũng có những câu không phải tất cả thí sinh nào cũng đều làm được. So với đề tự luận thì đề thi trắc nghiệm có khả năng phân loại cao hơn. Vì thế, điểm 10 năm nay ở các môn Ngoại ngữ, Hoá học, Vật lý, Sinh học sẽ ít hơn các năm trước nhiều.

Nói chung, độ phân hoá trong đề thi năm nay sẽ chiếm khoảng 2, 3 điểm trong thang điểm 10. Thí sinh có học lực loại giỏi cũng có thể chỉ đạt khoảng 8, 9 điểm.

Như vậy điểm thi của thí sinh năm nay sẽ khó mà cao được như những năm trước?

Điều này cũng chưa thể khẳng định được. Ít có điểm 10 các môn trắc nghiệm không có nghĩa là điểm thi ĐH sẽ thấp đi. Đối với đề thi trắc nghiệm, không phải chỉ đánh dấu một cách cơ học “có” hoặc “không” mà buộc thí sinh phải tính toán, suy nghĩ, tư duy để tìm ra phương án trả lời đúng trong một phạm vi kiến thức rộng.

Những thí sinh đạt điểm cao trong các môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi ĐH này, theo tôi, đó đều là những thí sinh có học lực tốt, vì thế, điểm các môn thi khác của thí sinh cũng sẽ không tồi và các em cũng sẽ có một kết quả thi ĐH cao.

Theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, đối với thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm là phải tô đậm câu trả lời, không được để giấy thi quăn... và phải chăng chính điều này sẽ dẫn đến sự rủi ro trong kết quả thi của thí sinh vì máy móc thí rất vô tình?

Thi cử kiểu gì cũng có yếu tố may rủi. Do đó, kết quả thi chỉ mang tính gần đúng, chứ không chính xác hoàn toàn được.

Đối với hình thức thi trắc nghiệm thì chúng ta mới tiếp cận phương pháp thi trắc nghiệm từ năm ngoái nên sẽ còn những vẫn đề cần tranh cãi. Sau kỳ thi này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu về phương pháp thi trắc nghiệm và tổ chức đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện với sự hợp tác của Viện Khảo thí Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên quá lo lắng vì nhưng sai sót thuộc về kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Quy định, quy chế thi là như vậy nhưng chúng ta cũng không thể quá cứng nhắc khiến các các em bị chịu thiệt thòi.

Có thể có thí sinh đạt tổng điểm 33 điểm/3 môn khi môn thi nào cũng được cộng thêm 1 điểm thưởng, thưa ông?

Đề thi năm nay có một số câu hỏi đòi hỏi phải có sự sáng tạo mới làm được một cách xuất sắc nhất. Nếu thí sinh làm được, theo quy chế, sẽ ngoài số điểm theo đáp án, thí sinh được thêm 1điểm thưởng cho thí sinh.

Đối với môn tự luận, thí sinh có thể được cộng thêm điểm và sẽ vượt quá khung. Ví dụ khung điểm là 10 nhưng có thể cho 10,5 điểm. Tuy nhiên, đối với môn trắc nghiệm thì máy chấm không định dạng được điểm thưởng này.

Thực ra, về mặt khoa học thì điểm thưởng này là không chính xác. Theo tôi, đã thi là không nên có chuyện vượt qua ba-rem điểm. Vì thế, sẽ không có thí sinh nào đạt 33 điểm/ 3môn.

Một số thí sinh phàn nàn rằng tại sao Bộ luôn công bố đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, trong khi đề thi môn Văn năm nay lại có một câu hỏi rơi vào chương trình lớp 11 và như vậy khiến thí sinh... hụt hẫng?

Nói là chủ yếu không có nghĩa là chỉ hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12. Hơn nữa, việc học tập của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông là một hệ thống. Nếu không học tốt chương trình lớp 11 thì các em học tốt chương trình lớp 12 làm sao được.

Ông có thể cho biết một vài nhận xét của mình về độ khó - dễ trong đề thi năm nay?

Khái niệm đề dễ hay khó rất tương đối, bởi với một số người đề là dễ nhưng với một số  người khác đề lại là khó, thậm chí rất khó. Muốn đánh giá một cách khoa học, cần có một thống kê đủ lớn trên một phổ điểm rộng.

Có tham gia làm đề mới biết sự khổ công của những người ra đề. Đối với mỗi đề thi, để hoàn thành là cả quá trình nâng lên, đặt xuống, cân nhắc rồi phản biện, rồi phân tích để tìm ra độ khó, dễ trong mỗi đề. Khó thì khó thế nào, sẽ có bao nhiêu thí sinh đạt điểm tối đa với độ khó như vậy?

Như đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, rất nhiều người nói rằng đó là đề dễ nhưng kết quả lại chỉ có trên 60% đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, đối kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, việc đề dễ hay khó không ảnh hưởng nhiều vì dễ thì chung và khó cũng là khó chung. Dù dễ hay khó thì cũng chỉ có 20% thí sinh trong tổng số 900 nghìn thí sinh dự thi trong kỳ thi ĐH năm nay đỗ.

Điều tâm đắc nhất của ông đối với đề thi năm nay là gì?

Lâu nay, khi ra đề, chúng ta cứ “diễn” sách giáo khoa để ra đề thi. Năm nay, với 4 môn thi trắc nghiệm, 4 môn tự luận, đề thi có mấy chục câu nhưng không có câu nào chép y nguyên trong sách giáo khoa mà đi vào những cách tiếp cận khác, đòi hỏi thí sinh phải sáng tạo, chỉ có học sinh giỏi mới vững tâm làm đến câu cuối. Đó là cái hay nhất của đề thi năm nay.

Xin cảm ơn ông!

Mai Minh
(Thực hiện)