Mẹ nghèo nuôi ba con đại học

(Dân trí) - Số phận cuộc đời đè nặng lên đôi vai gầy yếu của người vợ mất chồng, con mất cha. Với trách nhiệm của người mẹ, bà đã và đang xoay xở bằng mọi cách để vượt lên số phận, quyết tâm nuôi day con trở thành những công dân có ích cho xã hội

Bà Võ Thị Kiều ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh thuộc diện hộ nghèo. Chồng mất sớm để lại cho bà ba đứa con thơ dại, tuổi chơi, tuổi học. Một mình bà sớm hôm lặn lội với đồng áng, ruộng vườn nhưng kinh tế vẫn khó khăn, đau ốm bệnh tật tưởng chừng không thể vượt qua được áp lực khó khăn của gia đình. 

Ngày đêm, bà thầm hứa với người chồng đã khuất là nuôi các con khôn lớn, có trình độ học vấn để lập thân, lập nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Với trình độ 10/10 phổ thông, bà luôn ý thức được rằng mình phải cố gắng học tập mọi lúc, mọi nơi để kèm cặp con cái học tập ngay từ khi mới bước vào lớp một. Nhiều kiến thức mới trong sách giáo khoa bà phải học cùng vơí con, giúp con nắm được những kiến thức cơ bản và làm đầy đủ các bài tập.

Nhờ chăm ngoan, chú ý lắng nghe thầy cô giảng trên lớp, lại được mẹ chỉ bảo tận tình, chu đáo nên các con của bà nắm chắc kiến thức đã học, đứa lớn kèm cặp đứa bé học tập ở nhà. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, các con của bà đều ngoan ngoãn, học giỏi, tranh thủ thời gian phụ giúp mẹ các công việc đồng áng, nhất là khi đến mùa thu hoạch. Việc nhà nông bề bộn, các con hăng hái đỡ đần mẹ nhưng bà chủ động sắp xếp công việc để các con làm những việc vừa sức, hợp lý để các con có sức khỏe học tập.

Để có năng suất trong trồng trọt, chăn nuôi, bà hăng hái tham gia học tập tại Trung tâm học tập Cộng đồng, dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra, bà con tìm đọc trong sách, báo, nghe đài, xem tivi để áp dụng những kiến thức mới vào sản xuất và cuộc sống.

Một mình bà ngoài việc chăm lo mấy sào ruộng còn phải làm thêm nào là chăn nuôi, trồng rau màu... để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm các con học đại học, ít nhất bà cũng phải chi hết 60 triệu đồng. Bà phải vay mượn thêm của anh em họ tộc, bạn bè, ngân hàng hàng trăm triệu đồng. Nhưng bà cũng không nản chí, quyết tâm cho cái học hành đến nơi, đến chốn. Không phụ lòng mẹ, các con bà cố gắng, chăm chỉ học hành. Từ lớp 1 đến lớp 12, các con bà đều là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi và cả ba con lần lượt thi đậu vào các trường đại học. Con đầu Nguyễn Anh Dũng, học Đại học Kỹ thuật Vinh, nay đã ra trường có việc làm ổn định. Con thứ hai Nguyến Anh Tài, Học viện Thủy lợi Hà Nội năm thứ 5. Con thứ ba Nguyễn Anh Ngọc, Đại học Kiến trúc Hà Nội năm thứ 3.

Trong những năm học đại học, ba con của bà đều học khá, giỏi, được nhà trường cáp học bổng hàng năm. Riêng cháu Nguyễn Anh Tài năm học vừa qua được tặng học bổng sinh viên nghèo học giỏi của nhà tài trợ Lê Văn Kiểm, trị giá 15 triệu đồng. Dù khó khăn đang còn nhiều nhưng bà rất phấn khởi vì các con chăm ngoan, học giỏi. Bà tâm sự: "Nếu không có chính sách của Nhà nước cho sinh viên nghèo vay vốn học tập; không có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của Hội Khuyến học các cấp, anh em họ tộc, bà con hàng xóm thì phận nghèo của mẹ con tui khó vượt qua".

Đào Xuân Tri