“Mẹ ơi, ngày mai trời mưa không?”

(Dân trí) - Đứng trước cổng trường tiểu học Võ Thị Sáu sáng 4/9, không biết bao nhiêu lần chúng tôi được nghe câu hỏi đó của những học trò “nhí”. Sáng nay, các em đến trường để tập lại lần cuối màn diễu hành và trống ếch để chuẩn bị cho lễ khai giảng vào ngày mai.

Mưa gần hết cả buổi sáng nay tại Hà Nội khiến cho những trường khai giảng sớm đều phải xì xụp trong màn mưa, mặc dù bắc rạp nhưng cờ và hoa đều ướt lướt thướt. Tại hầu hết những trường còn lại thì hôm nay là buổi tổng duyệt cuối cùng. Và hồi hộp hơn cả là những em học sinh tiểu học. Tiếng nhạc và tiếng trống luôn làm các em... cuống quýt lên!

 

Chị Như Quỳnh, phụ huynh của cháu Như Mai kể: “Mấy ngày hôm nay, con gái tôi cứ lôi hết váy áo trong tủ ra so đo cái nọ, nhìn ngắm cái kia. Quy định nhà trường yêu cầu các bé phải mặc đồng phục nhưng con gái tôi cứ thử ra thử vào từng chiếc váy, rồi giục mẹ mua nơ, mua hoa cài tóc. Mỗi khi gần đến giờ ra trường là réo rắt gọi mẹ xỏ giầy!”

 

Tâm trạng hồi hộp của bọn trẻ làm háo hức cả những... người già. Ông Nguyễn Phúc, nhà ở khu tập thể Thanh Xuân (Hà Nội) gần cả tuần lễ nay lúc nào cũng bận rộn vì cháu ngoại Văn Dũng. Cậu chàng suốt ngày bắt ông phải ngồi gõ trống cho tập đi “một hai một”. Rồi cu cậu cứ luôn mồm hỏi ông: “Cháu mặc áo trắng này nhìn có béo quá không? Cháu mặc áo trắng kia nhìn có bị đen quá không? Cái khăng quàng đỏ của cháu nhìn không đỏ mấy, không đẹp như khăn quàng của bạn Trang!...” làm cho ông ngoại cứ quay như chong chóng vậy.

 

Nhưng lo lắng “cháy bỏng” nhất của các học trò vào thời điểm này có lẽ là “Ngày mai trời có mưa không?”. Cũng theo lời kể của chị Như Quỳnh thì mấy ngày hôm nay, cứ đến hết chương trình thời sự buổi tối, dù đang làm gì cháu cũng bắt cả nhà cùng ngồi xem dự báo thời tiết với cháu rồi luôn hỏi mẹ: “Liệu họ có dự báo đúng không? Nếu mưa là váy và nơ của con ướt hết!”

 

Em Hoàng Hoa, học trò của trường Tô Hoàng than phiền: “Em tập dượt mấy ngày nay rồi, nếu mai mà mưa thì nhà trường sẽ phải... bắc rạp và tụi em sẽ không còn cơ hội để “duyệt binh” nữa thì tiếc lắm! Xem tivi thấy các chú bộ đội vẫn đi duyệt binh, mê lắm, năm nào cũng đợi đến ngày khai trường để được đi giống như các chú... bộ đội!”

 

Không giống như năm, bảy năm trước đây, ngày khai trường được coi là ngày đầu tiên đến lớp của các em học sinh lớp 1 và là ngày đầu tiên đến lớp của các em học sinh sau 3 tháng hè dài đằng đẵng xa bạn, xa lớp, xa trường. Những năm gần đây, các em học sinh các cấp đều đã phải học từ một hai tuần trước ngày khai giảng tuỳ từng địa phương.

 

Dù vậy, không khí ngày khai trường vẫn luôn là những khoảnh khắc đầy háo hức và luôn luôn được các em mong đợi. Học sinh thành phố có điều kiện mua hoa, mua nơ, học sinh nông thôn thì tự làm hoa giấy và nơ giấy để cài tóc và em nào cũng muốn mình trở nên rạng rỡ nhất trong ngày khai trường.

 

Kể từ năm 1945 đến nay, ngày 5/9 luôn được ấn định là ngày khai trường cho hàng chục triệu học sinh, sinh viên cả nước. Trong ký ức của bao nhiều thế hệ người Việt Nam, đây luôn là những ngày nắng vàng rực rỡ với bầu trời xanh như ngọc và một không gian tràn ngập mùi hương của hoa cỏ mùa thu...

 

Hiếm khi lắm trời đổ mưa vào những ngày này. Và năm nay, trời chắc cũng sẽ thương cho sự trông ngóng lắm của lũ học trò nên cũng sẽ ngừng mưa...

 

Mai Minh