TT-Huế:

Năm có số HS cấp 2 ra Tết bỏ học giảm mạnh nhất

(Dân trí) - Sau nhiều năm, 2012 là năm mà số học sinh cấp 2 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bỏ học sau khi ra Tết giảm rõ rệt. Theo TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, có được kết quả này là do thực hiện nhiều biện pháp cụ thể.

Các trường “điểm nóng” có rất ít HS bỏ học

Tại huyện Phú Lộc, nơi trước đây hàng năm một số trường cấp 2 có từ 10 đến 50 em bỏ học sau khi ra Tết thì đến năm nay đã giảm hẳn. So sánh số liệu mới nhất, ra Tết năm 2011 có khoảng 200 HS cấp 1, 2 bỏ học trên toàn huyện (trong đó cấp 2 chiếm hơn 2/3 - khoảng gần 130 em), qua Tết năm 2012 năm nay chỉ có 83 em HS cấp 2 bỏ học, giảm gần 1/2 so với năm ngoái.

Một số trường là “điểm nóng” của bỏ học trong nhiều năm qua với số lượng hàng chục HS như Vinh Hưng, Lộc Bổn, Lộc Trì, Lộc Điền thì hiện chỉ có khoảng từ 2 đến 5 em bỏ học đầu năm 2012. Đặc biệt, tại xã Lộc Bổn nơi có tình trạng hàng trăm gia đình gồm cả cha, mẹ và con di cư sang Lào kiếm sống thì thầy cô tại trường THCS Lộc Bổn ở xã này năm nào cũng “thom thóp” lo sợ lớp mình sẽ vắng hoe ra Tết. Vậy mà ra Tết năm nay, cả trường chỉ có dưới 5 em bỏ học.

Tại huyện Phú Vang, những xã như Phú Diên, Phú Thuận, Thuận An, Phú Hải, Vinh Hà, Vinh Phú có số lượng HS nghỉ nhiều mỗi dịp ra Tết, năm nay theo báo cáo của phòng GD-ĐT huyện này thì chỉ còn rất ít HS của huyện bỏ học.

Riêng tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, số HS bỏ học ra Tết 2012 chỉ tính trên đầu ngón tay. Đây cũng là một thành tích đáng chú ý của 2 huyện hay có HS nghỉ học vì lý do phụ giúp gia đình.

Năm có số HS cấp 2 ra Tết bỏ học giảm mạnh nhất - 1
Trong 1 lớp học khối 9 ở Trường THCS Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) không vắng HS nào từ lúc ra Tết 2012.

Tính ra trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế theo thống kê của Sở GD&ĐT đầu năm 2012 có số HS cấp 2 bỏ học là 254 em, giảm 40 em so với năm 2011. Ngoài ra, HS cấp 1 và cấp 3 bỏ học cũng giảm so với mọi năm. Đây là năm đầu tiên tỉnh có số HS bỏ học thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là khối cấp 2 - khối học thường bỏ học nhiều nhất do nhiều nguyên nhân như: theo gia đình đi làm ăn xa, theo rủ rê bạn bè vào Nam kiếm sống hay đi học nghề do học yếu hay không có điều kiện học.

Những giải pháp sát sao của ngành giáo dục

Theo ông Nguyễn Phước Trọng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Lộc, 3 giải pháp được phòng làm để giảm bớt số HS bỏ học là: phối hợp với hội đồng hương các tỉnh trên cả nước tìm các em và khuyên các em về nhà học lại; tăng cường phụ đạo cho HS yếu để các em có hứng thú học và kết hợp Hội khuyến học huyện gây quỹ trao phần thưởng cho HS nghèo - đối tượng rất dễ bỏ học vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.

Tại huyện Phú Vang, vào trước Tết, phòng GD-ĐT đã mạnh dạn đề xuất huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền qua loa đài cụ thể trong từng khu vực nhằm thúc đẩy tinh thần học tập của con em cấp 2 và hạn chế việc nghỉ học đi làm.

Riêng tại trường THCS Phú Thuận (huyện Phú Vang), thầy Giàu cho biết trường đã lấy giáo viên chủ nhiệm làm nhân tố trung tâm. Nếu giáo viên đó thấy HS nào lớp mình nghỉ dài ngày thì phải điện thoại hay trực tiếp đến tận nhà hỏi thăm tình hình em đó. Nếu thấy HS có nguy cơ dễ bỏ học thì phải báo cáo lên ban giám hiệu để có phương án hỗ trợ cho HS có thể được tiếp tục học. Ngoài ra, tăng cường thêm sách ngoại khóa, sách giải trí ở thư viện và hệ thống máy vi tính để các em hứng thú hơn với việc học, bồi dưỡng kiến thức.

“Ngoài ra, một chính sách rất quan trọng của nhà nước, Bộ GD&ĐT là nghị định 49 hỗ trợ cho HS các xã bãi ngang và các hộ nghèo từ năm học 2010-2011. Việc này bao gồm miễn học phí toàn bộ cho các em và hỗ trợ chi phí học tập 70.000đ/em/tháng. Tính ra mỗi em sẽ được hỗ trợ 9 tháng học là 630.000đ cộng với một khoản vài trăm ngàn học phí/năm, tổng cộng nếu đi học sẽ được lợi hơn 1 triệu đồng/năm nên hầu như toàn bộ HS trong các gia đình nghèo hay dạng thủy diện thuộc bãi ngang đã không nghỉ học nữa” - thầy Phong cho biết thêm.

Theo TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, có được tình trạng HS giảm hẳn và giảm mạnh nhất như năm nay là do thực hiện các biện pháp cụ thể. Thứ nhất: có kế hoạch chỉ đạo các phòng, trường từ trước Tết nguyên đán và từ đầu mùa rét nắm chắc số HS khó khăn có nguy cơ bỏ học để giúp đỡ. Thứ hai: Phối hợp chặt với các ngành liên quan như Sở LĐ-TB&XH, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội khuyến học để chỉ đạo tốt việc thực hiện “3 đủ”: đủ ăn - đủ mặc - đủ sách vở. Và quan trọng hơn nữa là ngành đã được đón nhận các chính sách rất hợp lý của trung ương, tỉnh nhà về việc hỗ trợ HS đến trường. Chính điều này đã góp phần giảm tỷ lệ HS bỏ học trên toàn tỉnh.

Đại Dương