Nhiều HS không "mặn" với kỳ thi HS giỏi quốc gia

Nhiều học sinh lớp 12 khi "chẳng may" được chọn dự thi vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia thì cố tình làm bài không tốt để không phải vào đội tuyển. Nhiều phụ huynh học sinh cũng không muốn cho con em mình tham gia vào đội tuyển.

Thầy giáo Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường năng khiếu Ngỗ Sĩ Liên (thị xã Bắc Giang) nay gọi là chuyên Bắc Giang là đơn vị được Sở giáo dục - đào tạo tỉnh giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia cho biết: Mấy năm gần đây, số học sinh giỏi của tỉnh đạt giải quốc gia ngày càng giảm. Nguyên nhân sâu xa do xuất hiện tình trạng một số em vì nhiều lý do ngại tham gia Đội tuyển HSG Quốc gia.

 

Mặc dù là một tỉnh miền núi, Bắc Giang là địa phương được Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định thi ở bảng A là bảng dành cho những tỉnh, thành phố lớn có sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển. Điều đó đã đặt lên vai những người thầy bồi dưỡng đội tuyển và các em trong đội trách nhiệm nặng nề.

 

Mấy năm sau khi tách tỉnh, số học sinh đạt giải quốc gia của tỉnh hằng năm vẫn tăng. Nếu như năm học 1997-1998 là năm học đầu tiên khi chia tách tỉnh, Bắc Giang có 30 học sinh đạt giải thì đến năm học 2001-2002, tỉnh đã có tới 60 học sinh đạt giải, tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, số học sinh đoạt giải càng ngày càng giảm. Năm học 2002-2003, tỉnh có 51 học sinh đạt giải thì đến năm học 2003-2004 chỉ còn 40 học sinh đạt giải và năm học này, Bắc Giang cũng chỉ còn 38 học sinh đạt giải.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia phải dành nhiều thời gian cho ôn luyện, ảnh hưởng đến chất lượng các môn học khác và nhất là kết quả thi tốt nghiệp PTTH cũng như thi vào đại học ngay cuối năm học đó nên nhiều em không mặn mà, thậm chí ngại tham dự đội tuyển.

 

Hằng năm, từ tháng 10 đến tháng 12, trường chuyên Bắc Giang đã thành lập đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh để thi quốc gia với sự lựa chọn khá chặt chẽ. Học sinh tham gia đội tuyển sẽ phải dành nhiều thời gian đầu tư vào môn mà mình dự thi học sinh giỏi quốc gia thường được tổ chức vào tháng 3 hằng năm. Học sinh sẽ nghỉ học chính khóa vào buổi sáng và dành tất cả thời gian cho việc ôn luyện.

 

Các giáo viên khi được lựa chọn để bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi đều là những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, phương pháp truyền thụ tốt và có kinh nghiệm giảng dạy tổ chức ôn cho các em 6 buổi/tuần. Trường còn mời một số giáo sư đầu ngành ở các trường đại học lớn ở Hà nội về bổ sung kiến thức cho các em. Điều đáng nói ở đây là trong một thời gian ngắn, các em học sinh phải cập nhật rất nhiều kiến thức nâng cao, trong đó có cả kiến thức của sinh viên đại học năm thứ 2 trong khi đó các em chỉ là học sinh lớp 11 và 12.

 

Tất cả thời gian các em đều dành cho kỳ thi mà không học một môn nào khác. Nhiều em trong đội tuyển là học sinh lớp 12 cho biết: Nếu như các em không dành được giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì rất khó trong việc ôn thi đại học vì thời gian dành cho việc ôn thi đại học còn rất ngắn và khả năng đỗ đại học sẽ thấp. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng phần lớn các em học sinh lớp 12 của trường đều "ngại" tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia và chỉ đầu tư cho thi đại học.

 

Nhiều học sinh lớp 12 khi "chẳng may" được chọn dự thi vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia thì cố tình làm bài không tốt để không phải vào đội tuyển. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh học sinh cũng không muốn cho con em mình tham gia vào đội tuyển.

 

Đó là điều khó khăn cho các giáo viên khi vận động học sinh tham dự vào đội tuyển. Theo ông Bùi Văn Sinh, Phó giám đốc Sở giáo dục đào tạo Bắc Giang thì một nguyên nhân nữa khiến số học sinh thi đạt giải quốc gia giảm đó là trình độ của giáo viên còn nhiều hạn chế. Nhiều giáo viên giảng dạy đội tuyển là giáo viên phổ thông, họ vừa phải giảng dạy đội tuyển vừa phải lên lớp cả 6 ngày/tuần, có rất ít thời gian cho việc tìm tòi, nâng cao, cập nhật kiến thức mới.

 

Để khắc phục tình trạng này và nâng cao chất lượng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, trường chuyên Bắc Giang đang cùng với ngành giáo dục tỉnh tập trung làm tốt tư tưởng cho phụ huynh và học sinh; đẩy mạnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức với các tỉnh bạn có phong trào giáo dục mạnh như Hải Dương, Hưng Yên, Đà Nẵng...; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những học sinh đạt giải cao;...

 

Nhà trường còn tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của phụ huynh học sinh mời các giáo sự đầu ngành về giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đội tuyển và giúp các em hiểu đúng, có ý chí phấn đấu đạt thành tích cao.

 

Theo Vietnamnet