Nhiều ngành học bị bêu riếu "thất nghiệp nhất" có tỷ lệ việc làm cao ngất

Hoài Nam

(Dân trí) - Báo cáo tỷ lệ sinh viên có việc làm tại nhiều trường đại học, những ngành học liên tục bị các TikToker gọi tên là "vô dụng nhất", "thất nghiệp nhất" nằm trong top những ngành có việc làm cao nhất.

"Sau đây là danh sách những bằng đại học vô dụng", "Danh sách những bằng đại học vô dụng chúng ta không nên đăng ký học", "Điểm tên 4 bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam", "Những ngành học, học để thất nghiệp"... là những "khẩu hiệu tư vấn tuyển sinh" bùng nổ trên mạng xã hội từ năm 2023 bởi nhiều TikToker.

Nhiều ngành học bị bêu riếu thất nghiệp nhất có tỷ lệ việc làm cao ngất - 1

Các TikToker bêu rếu nhiều ngành học "vô dụng", thất nghiệp" (Ảnh chụp màn hình).

Trong đó, 4 ngành được các TikToker "gọi tên" đích danh nhiều nhất gồm quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, ngôn ngữ Anh và marketing.

Bất chấp những lời "tư vấn" này, theo thống kê từ hàng loạt trường đại học cho thấy những ngày này nằm trong top tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.

Tại Đại học Kinh tế TPHCM, trong đề án tuyển sinh 2024 thể hiện tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 12 tháng sau tốt nghiệp ở ngành quản trị kinh doanh là 96,03%, marketing gần 95% và ngôn ngữ Anh 100%.

Theo đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, những ngành bị gọi tên "vô dụng nhất" có tỷ lệ việc làm nằm trong top đầu. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên số sinh viên phản hồi ngành quản trị kinh doanh 97,69%, quản trị nhân lực 97,58%, marketing 97,93% và ngôn ngữ Anh 98,73%.

Nhiều ngành học bị bêu riếu thất nghiệp nhất có tỷ lệ việc làm cao ngất - 2

Báo cáo tỷ lệ việc làm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy nhiều ngành nghề bị gọi "vô dụng nhất" có tỷ lệ việc làm cao (Ảnh: Hoài Nam).

Khảo sát năm 2023 tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng cho thấy tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi ngành quản trị kinh doanh trên 90%, ngôn ngữ Anh 100%.

Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), báo cáo gần nhất chỉ ra ngành quản trị kinh doanh tỷ lệ việc làm 86%, marketing 95%.

Tại Trường Đại học Luật TPHCM, khảo sát tỷ lệ việc làm nhiều năm liền thể hiện ngành ngôn ngữ Anh luôn có tỷ lệ việc làm chạm ngưỡng 100%, ngành quản trị kinh doanh trên 94%.

Nhiều ngành học bị bêu riếu thất nghiệp nhất có tỷ lệ việc làm cao ngất - 3

Sinh viên ở TPHCM tại ngày hội việc làm (Ảnh: Hoài Nam).

Theo đề án tuyển sinh 2023 của Học viện Tài chính, 99,15% sinh viên ngành quản trị kinh doanh và 98,1% sinh viên ngành ngôn ngữ Anh ra trường có việc làm.

Không kém cạnh, đề án tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề cập con số tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở ngành quản trị kinh doanh 98,7%, marketing 97,8%; quản trị nhân lực 95,3%.

Tại thị trường lao động TPHCM những năm qua, lĩnh vực thuộc những ngành nghề bị các TikToker bêu rếu là "vô dụng" "thất nghiệp" được thống kê có nhu cầu tuyển dụng luôn ở vị trí đầu tiên.

Theo thống kê những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) có ngành marketing, kinh doanh thương mại, bất động sản, biên phiên dịch…

Nhiều ngành học bị bêu riếu thất nghiệp nhất có tỷ lệ việc làm cao ngất - 4

Nhiều ngành nghề bị gọi "vô dụng" nằm trong nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2023 tại TPHCM (Ảnh: Falmi).

Falmi dự báo nhu cầu nhân lực cho năm 2024 tại TPHCM dự kiến cần khoảng từ 300.000 - 320.000 chỗ làm việc. 

Theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 71,31% tổng nhu cầu nhân lực năm 2024, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,58% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,11%.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 64,27%, trong đó ngành thương mại chiếm 23,4%; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 3,72%; du lịch chiếm 4,72%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 7,06%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 5,62%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 6,45%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 8,07%; giáo dục và đào tạo chiếm 2,63%; y tế chiếm 2,6%.

Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%. Cụ thể, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,57%, trung cấp chiếm 23,94%, cao đẳng chiếm 21,28%, đại học trở lên chiếm 22,21%, lao động phổ thông chiếm 13%.