Những buổi báo cáo khoa học không... buồn ngủ

Tiếng hò reo vang lên khắp căn phòng. Tất cả các cặp mắt đều dõi theo chàng sinh viên năm cuối đeo cà-vạt xanh thẫm đang liến láu. Khó mà hình dung nổi không khí đầy hứng khởi trên lại thuộc về một buổi báo cáo khoa học của sinh viên khoa Du lịch Trường ĐHDL Văn Hiến, TPHCM.

Có thể nói, suốt cả buổi sáng đó, Hội đồng giám khảo lẫn sinh viên đã bị lôi cuốn bởi những câu hỏi và câu trả lời sống động, hấp dẫn nhưng vẫn rất khoa học! Những cái gật đầu tâm đắc và những nụ cười sảng khoái được dịp bày tỏ.

 

Bạn Nguyễn Tấn Trung, SV lớp K4-02D1 chính là người báo cáo thành công đề tài "Tầm quan trọng của kỹ năng hoạt náo trong hoạt động lữ hành", khiến mọi người đều "tâm phục khẩu phục".

 

Hãy "tua" lại một đoạn trong phần thuyết trình của anh chàng Trung nào: "Các bạn ơi..." , "Các bạn à...", "Các bạn có thể hát một bài không?". Im lặng, không ai hưởng ứng. Chàng trai mặt vờ chưng hửng rồi cất giọng khàn khàn: "Các bạn không hát thì mình hát vậy!". Tiếng cười lại dậy lên. Chàng thản nhiên tiếp tục: "Đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong hoạt động của hoạt náo viên mà nếu có dịp đi tour cùng, tôi sẽ cho các bạn thấy nhiều màn hay hơn nữa".

 

Sở dĩ có màn "Ơi, à" ở trên là vì sau khi trình bày xong phần tóm tắt, một nữ sinh viên đứng lên "đanh đá": "Nghe bạn trình bày thì rất hay, luận điểm, luận cứ, luận chứng đều rất thuyết phục. Nhưng mà chưa làm thì chưa tin! Bạn có thể đóng vai hoạt náo viên trong vòng 2 phút không?".

 

Như thể khơi đúng "mạch", Tấn Trung lập tức biến thành anh chàng gánh trên vai sứ mệnh giúp cho hàng trăm khách du lịch phải bật cười, phải quên đi mệt nhọc, phải háo hức với các chương trình mà tour lập ra.

 

Không chỉ Trung mà Tường Vi, tác giả đề tài "Cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng của người Tây Nguyên" cũng đã mang đến những nụ cười tâm đắc thú vị. Sau khi Vi trình bày tóm tắt xong, đang hồi hộp chờ câu hỏi thì một thành viên trong BGK "vặn" luôn: "Tại sao cồng chiêng Tây Nguyên được làm bằng đồng, là một vật có thể sờ được, có thể nhìn thấy, vậy mà lại được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể?".

 

Ở dưới có tiếng xì xào "phen này chắc cô nàng bó tay chấm... nước tương rồi". Nhưng sau mấy giây suy nghĩ, Vi dõng dạc "bật" một tràng: "UNESCO công nhận cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên là "kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại" là bởi cái hồn của tiếng cồng tiếng chiêng; là không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Tây Nguyên thể hiện trong tiếng cồng chiêng tại các lễ hội...".  Chủ tọa chỉ còn biết... gật đầu.

 

Bấy lâu nay, các hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên vẫn được tổ chức hằng năm, nhưng có mấy hội nghị được diễn ra sinh động, cuốn hút? Chủ tọa không khỏi... buồn ngủ khi nghe những báo cáo đều đều không điểm nhấn của sinh viên, bởi sinh viên chẳng biết làm cách nào để "thắp lửa" cho đề tài của mình.

 

Thực tế này cho thấy sinh viên chưa biết cách chọn đề tài và khi nghiên cứu thì vẫn chưa thực sự đi sâu vào vấn đề, thậm chí còn "lơ tơ mơ" ngay cả ở phần khái niệm. Vì thế mà trước nhiều câu hỏi của chủ tọa, sinh viên chỉ còn nước... hiên ngang như Từ Hải. Hoặc chủ tọa cũng mang trong mình tâm lý thôi thì nhanh chóng kết thúc các báo cáo cho xong. Hội nghị nghiên cứu khoa học "nhờ thế" mà nhiễm một căn bệnh khó chữa: căn bệnh hình thức.

 

"Theo em thì nhà trường phải kích thích sự ham mê nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách quan tâm đúng mức, đầu tư ngân sách để sinh viên có điều kiện chăm sóc tốt công trình của mình. Để các buổi báo cáo khoa học thực sự chất lượng thì chính bản thân người SV đó phải có một đề tài hay, một nghiên cứu chất lượng.

 

Tuy nhiên tác giả không thể "nổi lửa một mình" mà còn nhờ vào sự cổ vũ của bạn bè, vào những câu hỏi "độc" của chủ tọa. Mọi người cùng tham gia mổ xẻ, cùng nhập cuộc, như thế mới cuốn hút", "hoạt náo viên" Nguyễn Tấn Trung đưa ra ý kiến.

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên