DNews

Nỗ lực "gỡ khó" giải bài toán thiếu giáo viên

Thái Bá

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Bình đang thiếu 1.300 giáo viên biên chế trong năm học 2023-2024. Trước bài toán trên, Sở GD&ĐT Ninh Bình đang nỗ lực "gỡ khó" giải bài toán đảm bảo công tác dạy và học để đạt kết quả cao.

Nỗ lực "gỡ khó" giải bài toán thiếu giáo viên

Trước thực trạng thiếu lượng lớn giáo viên tại Ninh Bình, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình.

Thiếu 1.300 giáo viên các cấp học

Xin ông cho biết, hiện nay ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đang thiếu bao nhiêu giáo viên (GV). Cụ thể ở từng cấp học trong năm học 2023-2024?

- Tính đến tháng 9/2023, tỉnh Ninh Bình có 457 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, công lập bao gồm: 146 trường mầm non; 145 trường tiểu học; 134 trường THCS; 7 trường TH&THCS thuộc huyện, thành phố, 24 trường THPT trực thuộc Sở GD&ĐT và 1 trường phổ thông thực hành sư phạm thuộc Trường Đại học Hoa Lư.

Tổng số 7.237 lớp/nhóm lớp, trong đó: Cấp mầm non 2.068 lớp/nhóm lớp (512 nhóm trẻ, 1.556 lớp mẫu giáo); cấp Tiểu học 2.761 lớp; cấp THCS 1.693 lớp; cấp THPT 715 lớp.

Tổng số giáo viên biên chế trong các trường mầm non, phổ thông công lập là 12.328 giáo viên, gồm: mầm non 4.028 giáo viên, cấp tiểu học 3.647 giáo viên, cấp THCS 3.085 giáo viên, cấp THPT 1.568 giáo viên.

Nỗ lực gỡ khó giải bài toán thiếu giáo viên - 1

Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình (Ảnh: NBTV).

Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học chưa đảm bảo định mức quy định (mầm non 1,94 GV/lớp (2,2 đến 2,5 GV/lớp,nhóm); tiểu học 1,32 GV/lớp (quy định 1,5 GV/lớp); THCS 1,83 GV/lớp (quy định 1,9 GV/lớp); THPT 2,20 GV/lớp (quy định THPT 2,25 GV/lớp, THPT dân tộc nội trú 2,4 GV/lớp, THPT chuyên 3,1 GV/lớp).

Theo định mức quy định (Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 liên Bộ GD&ĐT, Bộ Nội và Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GDĐT) thì tỉnh Ninh Bình còn thiếu tổng số giáo viên khoảng 1.300 biên chế.

Trong đó, nhiều nhất là cấp mầm non thiếu 675 và cấp tiểu học 495. Cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy văn hóa và một số môn như tin học, tiếng Anh, GDTC, âm nhạc, mỹ thuật; cấp THPT chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Đến nay cấp có thẩm quyền đã phân bổ chỉ tiêu được bổ sung 462 giáo viên, nếu tuyển dụng đủ số chỉ tiêu bổ sung này thì toàn tỉnh còn thiếu khoảng 900 giáo viên.

Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên là gì thưa ông?

- Nguyên nhân thiếu giáo viên là do quy mô lớp, trẻ, học sinh xu hướng tăng lên qua các năm học; biên chế viên chức của tỉnh trong thời gian qua không được cấp có thẩm quyền giao tăng thêm, cùng với đó là thực hiện tinh giản biên chế, nên không có bổ sung biên chế giáo viên.

Nỗ lực gỡ khó giải bài toán thiếu giáo viên - 2

Năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh Ninh Bình đang thiếu 1.300 giáo viên ở các cấp học (Ảnh: Phòng GD&ĐT Hoa Lư).

Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập còn chưa phát triển, mới chỉ có một số ít ở cấp mầm non tại các đô thị; bậc học phổ thông các cấp học chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó áp lực học sinh gia tăng đều dồn vào hệ thống trường công lập.

Nhiều trường hiện tại quy mô nhỏ, vẫn phải đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý, các vị trí nhân viên; việc bố trí đủ cơ cấu giáo viên rất khó (vì có những môn 1 người thì thiếu mà 2 người thì thừa).

Nỗ lực vượt khó

Xin ông cho biết, tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến những khó khăn gì trong công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục?

- Các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên gặp khó khăn khi phân công chuyên môn giảng dạy cho giáo viên. Một bộ phận nhà giáo phải giảng dạy nhiều, vượt số giờ định mức quy định.

Một số cơ sở giáo dục không hợp đồng được giáo viên phải bố trí giáo viên phải dạy liên trường khó khăn cho công tác quản lý, bố trí thời khóa biểu dạy học, vất vả cho giáo viên.

Trước thực trạng thiếu giáo viên tại nhiều nơi, ngành giáo dục Ninh Bình đã có các giải pháp gì để khắc phục?

- Để khắc phục khó khăn thiếu giáo viên, Ninh Bình đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp như sau: Các địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chưa đủ biên chế thực hiện hợp đồng giáo viên giảng dạy để đảm bảo hoạt động của nhà trường.

Nỗ lực gỡ khó giải bài toán thiếu giáo viên - 3

Thầy và trò các trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nỗ lực vượt khó trước thực trạng thiếu giáo viên để hoàn thành tốt công tác dạy và học (Ảnh: Hoa Lư).

Trường hợp không có giáo viên hợp đồng, Phòng GD&ĐT các huyện thực hiện điều động bố trí giáo viên dạy liên trường ở các địa bàn gần, phù hợp với tình hình thực tế đội ngũ, đảm bảo có giáo viên dạy đủ các môn học theo quy định.

Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát lại đội ngũ, số lượng người làm việc được giao, số lượng người làm việc chưa sử dụng, bố trí biên chế tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ theo cơ cấu từng môn học, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn thiếu, môn học mới.

Đồng thời, Sở GD&ĐT cùng với UBND các huyện, thành phố sẽ rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, sẽ từng bước sắp xếp sáp nhập các trường quy mô nhỏ một cách phù hợp để giảm cán bộ quản lý và nhân viên, tăng vị trí việc làm là giáo viên trực tiếp giảng dạy, thuận lợi cho bố trí giáo viên theo cơ cấu bộ môn hạn chế việc thiếu giáo viên cục bộ ở các trường.

Giải bài toán thiếu giáo viên

Thời gian tới, ngành có chính sách gì để giữ chân giáo viên và chế độ thu hút tuyển dụng giáo viên, sớm bổ sung lượng lớn giáo viên bị thiếu, ổn định công tác dạy và học trên địa bàn?

- Trong thời gian tới Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định đối với nhà giáo; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời nhà giáo theo quy định.

Nỗ lực gỡ khó giải bài toán thiếu giáo viên - 4

Đổi mới phương pháp dạy và học được ngành giáo dục Ninh Bình áp dụng trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả cao (Ảnh: Phòng GD&ĐT Hoa Lư).

Đến thời điểm này, Ninh Bình rất hiếm trường hợp giáo viên xin thôi việc hay chuyển ngành, cơ bản các thầy cô giáo yêu nghề và gắn bó với lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố đã và đang tích cực xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên từ các chỉ tiêu chưa sử dụng và chỉ tiêu được bổ sung theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị (462 chỉ tiêu), trong đó thực hiện chính sách tuyển dụng thu hút giáo viên theo quy định.

Sở đã có những đề xuất gì với UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT để ban hành các chính sách giúp giải bài toán thiếu giáo viên?

- Sở tiếp tục tham mưu thực hiện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày 29/11/2018 về việc phê duyệt Đề án tổng thể kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước trên địa bàn tỉnh và ở các địa phương phải sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian tới (để tăng quy mô trường, giảm cán bộ quản lý, nhân viên, dành biên chế cho vị trí việc làm là giáo viên).

Nỗ lực gỡ khó giải bài toán thiếu giáo viên - 5

Ông Đinh Văn Khâm trao quà cho các em học sinh tham gia giao lưu an toàn giao thông quốc gia (Ảnh: Sở GD&ĐT Ninh Bình).

Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hệ thống các trường tư thục trên địa bàn tỉnh để giảm áp lực cho các trường công lập về trường lớp, giáo viên.

Sở GD&ĐT Ninh Bình đã kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành các văn bản hướng dẫn danh mục vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thay thế Thông tư 06 và Thông tư 16 để các cơ sở giáo dục có cơ sở xây dựng Đề án vị trí việc làm, xác định số lượng người làm việc đảm bảo quy định và  phù hợp với thực tế góp phần giải quyết tình trạng thiếu biên chế giáo viên.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!