Ông Bạch Ngọc Chiến "từ quan" về làm quản lý cho một tổ chức giáo dục

(Dân trí) - Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam vừa xin thôi chức về làm việc tại Tổ chức giáo dục EQuest từ ngày 1/7.

Ngày 1/7, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT EQuest Education Group (EQuest) cho biết, ông Bạch Ngọc Chiến chính thức làm việc tại EQuest kể từ ngày hôm nay với chức danh Phó Chủ tịch Tập đoàn, phụ trách Chiến lược.

Trên cương vị này, ông Chiến sẽ cùng Ban lãnh đạo EQuest hoạch định chiến lược tăng trưởng và phát triển mạng lưới đối tác trong và ngoài nước.

Ông Bạch Ngọc Chiến từ quan về làm quản lý cho một tổ chức giáo dục - 1

Ông Bạch Ngọc Chiến nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.

Được biết, ông Bạch Ngọc Chiến có nhiều kinh nghiệm về du lịch, giáo dục, ngoại giao, truyền thông, quản lý cao cấp ở cả cấp tỉnh và trung ương; cũng như kinh nghiệm về hoạch định chính sách, đối ngoại cả ở kênh chính thức và không chính thức.

Ông Chiến cũng được đào tạo bài bản về ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh), ngoại giao, luật và quản trị kinh doanh.

Về học vấn, ông Chiến tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1994 và lấy bằng Thạc sĩ về quan hệ ngoại giao tại Đại học Monash (Australia) năm 2000. Ông cũng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội. Hiện ông đang học chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Kinh doanh Shidler của Đại học Hawaii (Mỹ).

Về quá trình công tác, ông Chiến khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh và sau đó là hướng dẫn viên du lịch (1994-1996). Ông thi công chức Bộ Ngoại giao cuối năm 1996 và kể từ đó đã kinh qua các vị trí: Chuyên viên Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao;

Tuỳ viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại Bộ Ngoại giao; Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2020, ông Chiến làm việc tại Tập đoàn giáo dục EQuest.

Từ trải nghiệm của bản thân, ông Chiến cho rằng chỉ thông qua phổ cập tiếng Anh và đẩy mạnh đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán) mới có thể tạo được lợi thế cạnh tranh cho nguồn nhân lực đất nước trong trước mắt và lâu dài.

"Duyên nợ của tôi với giáo dục khá sớm và khá nhiều. Tôi khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm tiếng Anh Đại học Bách khoa, rồi sau đó là Viện Đại học Mở.  Khi đã có chút “danh” tôi được mời làm giảng viên thỉnh giảng cho các trường như Học viện Báo chí, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Tư pháp, Học viện Ngoại giao…

Tôi thích công việc này vì có thể chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện của mình. Chưa bao giờ giáo dục lại quan trọng như hiện nay trong việc đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng được các thách thức trong tương lai và tôi mừng vì được tham gia Equest để thực hiện một số chương trình giáo dục mà tôi ấp ủ hoặc thực hiện dang dở" - ông Chiến chia sẻ.

Theo ông Chiến, chỉ có giáo dục mới thay đổi được số phận cá nhân và vận mệnh quốc gia.

"Trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng mấu chốt là tiếng Anh và giáo dục STEM và đã triển khai thử nghiệm tại Nam Định. Nhiều người cũng đồng ý như tôi nhưng không phải ai cũng có giải pháp. Tôi cũng như nhiều người tâm huyết với giáo dục mong muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam để cung cấp cho học sinh Việt Nam một công cụ hữu ích tiếp cận kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại" - ông Chiến bày tỏ.

EQuest là một trong những tổ chức giáo dục tư nhân lớn nhất ở Việt Nam với hơn 80.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm tại 16 đơn vị thành viên, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, các trường phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, chuẩn bị du học và các công ty về công nghệ giáo dục.

Hồng Hạnh