Quá nhiều luật gây tắc nghẽn, kết quả nghiên cứu khoa học... "đút ngăn kéo"

Hoài Nam

(Dân trí) - Theo ông Phạm Đức Nghiệm - Bộ KH&CN - bị nghẽn bởi 13 luật và nhiều văn bản quy định khác, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam "đút ngăn kéo".

Nhiều luật gây "vướng"

Vấn đề nêu trên được ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN - nhấn mạnh trong tham luận tại hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ 18 của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Quá nhiều luật gây tắc nghẽn, kết quả nghiên cứu khoa học... đút ngăn kéo - 1

Triển lãm công nghệ tại hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ 18 Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Theo ông Nghiệm, khoa học công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã tạo ra nhiều thành tựu, được xem là một trong những đột phá chiến lược, là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

KH&CN có vai trò quan trọng, đóng góp để năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt 45%. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục trong top 50 quốc gia đứng đầu. 

Trong bài tham luận của mình, ông Nghiệm cho hay, điểm nghẽn lớn nhất trong thị trường KH&CN là hệ thống chính sách pháp luật được xây dựng ở các thời điểm khác nhau, góc nhìn của các Bộ, ngành khác nhau nên không nhất quán, không đồng bộ. 

Theo ông Nghiệm, kết quả nghiên cứu khó có thể ra được thị trường đang bị "nghẽn" bởi 13 luật và nhiều văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư. Điều đó dẫn đến tình trạng nghiên cứu "đút ngăn kéo", gây lãng phí ngân sách nhà nước. 

Ông Phạm Đức Nghiệm dẫn chứng, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 mới giải quyết việc trao quyền cho tổ chức chủ trì được đi đăng ký sáng chế, đứng tên văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ nhưng chưa có giải pháp cho vấn đề sử dụng, thương mại hóa, chuyển giao, phân chia lợi ích giữa các bên khi thương mại hóa.

Luật doanh nghiệp 2020 có quy định cho phép được góp vốn bằng tài sản trí tuệ, bằng công nghệ để hình thành doanh nghiệp nhưng Thông tư, Nghị định triển khai không hướng dẫn cụ thể. Các nhà khoa học không thể mang tài sản đó góp vốn đăng ký kinh doanh, không thể hình thành doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp có quy mô khởi đầu nhỏ và vừa với số vốn đầu tư không quá lớn) trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc tài sản trí tuệ.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định 70 đã quy định tất cả những kết quả nghiên cứu thành tài sản. Do đó các kết quả nhiệm vụ sau khi nghiên cứu cần phải định giá trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp, sau đó cần hoàn trả lại toàn bộ số tiền được tài trợ, đầu tư cho nhà nước. Mặt khác, quy định đi ngược với bản chất của hàng hóa khoa học và công nghệ là tri thức ẩn và gắn với người tạo ra nó. 

Luật ngân sách nhà nước 2015 tồn tại vấn đề nguyên tắc phân bổ ngân sách dẫn đến hạn chế những tổ chức, cá nhân tiêu tiền ngân sách có hiệu quả, chuyển giao công nghệ vào sản xuất hỗ trợ doanh nghiệp. 

Luật viên chức 2010 và Luật Phòng chống tham nhũng không cho phép viên chức được tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp spin-off từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Luật Đầu tư 2020 chưa có quy định về phân chia tài sản và tỷ lệ sau khi rút vốn giữa các bên...

Thiếu nhân lực chất lượng cao 

Theo thống kê nhân lực ngành năm 2019, Việt Nam có 150.089 cán bộ nghiên cứu và chỉ có chưa đến 12.970 cán bộ kỹ thuật, hơn 22.377 cán bộ hỗ trợ. 

Ông Phạm Đức Nghiệm đánh giá, Việt Nam chủ yếu là nhân lực thực hiện chức năng nghiên cứu chiếm đến 81% (tiếp tục có xu hướng tăng mạnh), trong khi đó tỷ lệ cán bộ kỹ thuật chiếm tỷ trọng rất nhỏ 7% (lại có xu hướng sụt giảm về số lượng).

Quá nhiều luật gây tắc nghẽn, kết quả nghiên cứu khoa học... đút ngăn kéo - 2

Ông Phạm Đức Nghiệm (Ảnh: Trường Đại học Bách Khoa TPHCM ).

Về trình độ, cán bộ nghiên cứu và phát triển chủ yếu trình độ đại học và thạc sĩ. Nhóm có trình độ tiến sĩ đang có xu hướng tăng mạnh. Phần lớn nhân lực trong lĩnh vực này làm việc ở khu vực nhà nước (chiếm 85%), ngoài nhà nước chỉ chiếm 13% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 2%.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu cả thầy lẫn thợ trong đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.

Ông Phạm Đức Nghiệm gợi ý một số giải pháp cho thị trường KH&CN như rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học; nhân rộng chương trình đào tạo kỹ năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu; phát huy vai trò cửa sổ công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam.

Khích lệ nhân tài trẻ người Việt 

Cùng thời điểm diễn ra sự kiện, giải thưởng SIU Prize 2023 được công bố với 10 tỷ đồng cho mỗi mùa trao giải (2 năm/lần), dành cho 5 luận án tiến sĩ thuộc mỗi lĩnh vực khoa học máy tính và khoa học sức khỏe.

Trong đó, luận án tiến sĩ xuất sắc nhất được thưởng 2 tỷ đồng tiền mặt, kỷ niệm chương bằng vàng 18K. Luận án tiến sĩ đứng thứ hai được thưởng 1 tỷ đồng cùng kỷ niệm chương bằng bạc. Phần thưởng 400 triệu và 200 triệu đồng đối với các luận án còn lại trong top 5.

Các luận án tiến sĩ về khoa học máy tính và những lĩnh vực liên quan, bao gồm hệ thống trí tuệ nhân tạo, robotics, dữ liệu lớn, tin sinh học và an ninh mạng... Đây là những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, kiến trúc, kinh tế số, đô thị thông minh, phát minh sáng tạo và xã hội.

Các luận án tiến sĩ lĩnh vực khoa học sức khỏe gồm các công trình nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, các sản phẩm KH&CN đặc biệt xuất sắc có tính sáng tạo đột phá hoặc các cải tiến và đổi mới có tính ứng dụng thực tiễn cao, đã hoặc có tiềm năng tạo ra những thay đổi có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.