"Sách giáo khoa bắt buộc phải mua, chiết khấu cao thế đã hợp lý chưa?"

Hoài Thu

(Dân trí) - Câu hỏi nêu trên do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề. Ông Huệ yêu cầu Đoàn giám sát của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ chi phí chiết khấu này có cấu thành nên giá bán của sách không.

Mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là vấn đề được nhiều người quan tâm trong quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều ý kiến chung đề nghị giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.

Chi phí chiết khấu tác động lớn nhất đến giá sách giáo khoa

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo mức phí phát hành (chiết khấu) tối đa với sách giáo khoa theo chương trình mới của năm học 2020-2021, 2021-2022 là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.

Năm học 2022-2023, chiết khấu với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

"Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, chi phí phát hành (chiết khấu) cao, giá sách giáo khoa khá cao", Đoàn giám sát nêu trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sách giáo khoa bắt buộc phải mua, chiết khấu cao thế đã hợp lý chưa? - 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, việc cần làm ngay là nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân.

Ông Chiến cho biết người dân còn đề nghị sách giáo khoa phải do Nhà nước quản lý giá.

Đánh giá chung về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận chương trình được xây dựng công phu, nghiêm túc.

Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học.

Song theo Chủ tịch Quốc hội, sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Điều này được minh chứng qua việc Đoàn giám sát đã tổ chức biên soạn rất nhiều chuyên đề nghiên cứu cá biệt và đặt hàng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu rất đầy đủ chứ không phải chỉ căn cứ khi đi khảo sát.

Ông Huệ dẫn báo cáo giám sát chỉ ra có đến 18 cuốn sách giáo khoa còn sai sót và có sạn. "Đương nhiên không thể tránh khỏi nhưng chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận để làm tốt hơn", ông Huệ nói.

Ông cũng nhắc lại nhận định giá sách giáo khoa, nhất là chi phí phát hành sách giáo khoa cao, 29-29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập. Mức này chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định.

"Chúng tôi trước đây cũng viết sách cũng được 25% chi phí phát hành, nhưng sách chuyên khảo cả năm may ra bán được 1-2 quyển, còn đây là sách hàng triệu bản với tính chất gần như bắt buộc, ai cũng phải mua, phát hành một lần với khối lượng lớn mà chiết khấu như thế thì đã hợp lý chưa?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Sách giáo khoa bắt buộc phải mua, chiết khấu cao thế đã hợp lý chưa? - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Phạm Thắng).

Khi yêu cầu Đoàn giám sát làm rõ chi phí chiết khấu này có cấu thành nên giá bán của sách không, Chủ tịch Quốc hội nhận được kết luận "không những cấu thành mà là yếu tố tác động nhiều nhất đến giá sách giáo khoa, kể cả sách tham khảo".

"Trong phiên họp trước, tôi cũng đã đề nghị nghiên cứu lại. Đương nhiên có chuyện giấy tốt, mực đẹp, nhưng chi phí chiết khấu này tác động lớn nhất đến giá sách giáo khoa, sách tham khảo", ông Huệ nhận định.

Giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa

Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm sách là cụ thể hóa chương trình đào tạo nên đặt ra yêu cầu phải quản lý việc sử dụng cho phí chiết khấu sách giáo khoa, điều tiết giá sách giáo khoa.

"Đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian; nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá sách giáo khoa theo yêu cầu của Luật Giá (sửa đổi)", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Sách giáo khoa bắt buộc phải mua, chiết khấu cao thế đã hợp lý chưa? - 3

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng (Ảnh: Phạm Thắng).

Nói rõ hơn về giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng giải thích giá sách giáo khoa theo quy định Luật Giá, Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, đến nay không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Tuy nhiên, theo Luật Giá mới có hiệu lực từ 1/7/2024, giá sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa.

Căn cứ quy định này và đăng ký giá của các nhà xuất bản, ông Hưng cho biết hiện tại có 2 nhà xuất bản in sách giáo khoa là Nhà xuất bản giáo dục và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam.

Qua theo dõi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này giảm dần theo thời gian từ năm 2020 cho đến năm 2023.

"Đến năm 2022 và 2023, tỷ lệ chiết khấu của cả 2 nhà xuất bản này từ mức 21% đến 22,5% chi phí", ông Hưng thông tin.

Với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa theo quy định của Luật Giá, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm, giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.

Kiến nghị thanh tra việc sử dụng chi phí chiết khấu sách giáo khoa

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với Chính phủ, đoàn giám sát kiến nghị, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; công tác in, phát hành sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các nhà xuất bản; việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.

Đoàn giám sát kiến nghị chuyển cơ quan điều tra khi xác định dấu hiệu vi phạm.