Sáng nay, khoảng 23 triệu học sinh khai giảng năm học mới

Mỹ Hà

(Dân trí) - Sáng nay (5/9), khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học 2023-2024.

Khai giảng ngắn gọn, tiết kiệm

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, lễ khai giảng ngày 5/9 sẽ được tổ chức ngắn gọn, tùy theo từng cấp học sẽ có chương trình, đặc thù riêng.

Chương trình khai giảng ở thành phố này có 2 phần: Phần lễ ngắn gọn và phần hội đảm bảo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh trong ngày đầu năm học mới.

Tại Hà Nội, chia sẻ với phóng viên Dân trí trước thềm khai giảng, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị này quán triệt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng trang trọng, tiết kiệm, đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu thế, học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh khó khăn không được tới lớp.

Sáng nay, khoảng 23 triệu học sinh khai giảng năm học mới - 1

Học sinh Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày khai giảng (Ảnh: Hoàng Hồng).

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho cha mẹ phụ huynh.

Vì thế, Sở luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Không riêng Hà Nội, TPHCM, nhiều tỉnh thành cũng yêu cầu khai giảng ngắn gọn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh đầu năm học mới.

Năm nay, Hải Phòng tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, chương trình sẽ diễn ra không quá 35 phút, gồm 2 phần lễ và hội.

Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu khai giảng tổ chức ngắn gọn, trang trọng, tổ chức tiết kiệm, đảm bảo phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh mỗi cấp học.

Tương tự các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Bình Định, Hải Dương, Kon Tum... thống nhất lễ khai giảng ngắn gọn, đảm bảo trang trọng, thiết thực, có ý nghĩa và tuyệt đối an toàn

Ngổn ngang thách thức năm học mới

Sau 3 năm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, năm học 2023-2024 sẽ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11.

Nhiều bài toán đặt ra cho ngành giáo dục như đổi mới thi tốt nghiệp THPT, gỡ khó môn tích hợp và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Ngay trước thềm năm học mới, lần đầu tiên người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo cả nước đã có cuộc đối thoại với hàng triệu giáo viên từ bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở chuyên biệt và đại học trên cả nước.

Trong số 6.000 câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phần lớn nhóm câu hỏi tập trung đến chế độ chính sách nhà giáo, tiền lương, phụ cấp, điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên mầm non…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, những nội dung thuộc về chuyên môn trong phạm vi, Bộ có trách nhiệm rà soát quy định, điểm gì cần điều chỉnh, sẵn sàng điều chỉnh.

Về chế độ chính sách liên quan đến các Bộ, ngành khác, chẳng hạn như liên quan đến Bộ Nội vụ hay Bộ Tài chính và một vài cơ quan khác, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát và trao đổi phối hợp để cái gì xử lý được sớm thì xử lý, đặc biệt là những quy định liên quan đến chế độ chính sách dành cho nhà giáo.

Đối với khối giáo dục đại học, các nhà khoa học, các giảng viên các trường đại học cũng quan tâm nhiều đến tự chủ của các trường đại học, đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học; vấn đề sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học, liêm chính khoa học, đầu tư cho giáo dục, học phí và tài chính khác.

Sáng nay, khoảng 23 triệu học sinh khai giảng năm học mới - 2

Năm học mới bắt đầu với nhiều thách thức (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tại Hội nghị tổng kết năm học mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận, mặc dù đạt nhiều thành tích nhưng năm học tới, ngành tiếp tục giải quyết một số tồn tại, hạn chế.

Những hạn chế này liên quan đến việc thiếu giáo viên; thiếu trường lớp; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả...

Về thiếu giáo viên, cả nước hiện có 1,23 triệu giáo viên, thiếu 118.200 người. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất, gần 52.000.

Tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư cũng là vấn đề cấp bách.

Riêng Hà Nội, trung bình mỗi năm địa phương này tăng 50.000 -60.000 học sinh.

Tính năm học tới, riêng học sinh lớp 6 tăng gần 37.000 em đòi hỏi các quận, huyện, thị xã quan tâm, sửa chữa, xây mới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy môn tích hợp ở bậc THCS, chỉ giữ môn tích hợp ở bậc tiểu học.

Việc điều chỉnh sao cho không gây xáo trộn, không ảnh hưởng tới đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng dạy liên môn.

Về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, mới đây, nhiều giáo viên nhận được thông tin tiến hành khảo sát ý kiến về phương án thi này.

Theo đó, các trường triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp từ 2025. 

Trong số hai phương án được đưa ra lựa chọn, môn lịch sử có thể có mặt hoặc không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nếu như phương án 2 được chọn.

Bài thơ của phụ huynh Kim Hồng Hưng sáng tác tặng con gái đang là học sinh tiểu học và độc giả Dân trí nhân dịp năm học mới.

Bài thơ mang tựa đề "Lại một năm học mới":

Không thơm mùi vải mới

Nhưng giữ nếp phẳng phiu

Hương mùa thu dập dìu

Nụ cười vui, chân sáo

Tiếng trống trường vang báo

Năm học mới bắt đầu

Rợp cờ hoa sắc màu

Nâng niu bao điều ước

Kiến thức ở phía trước

Có thầy, cô, bè bạn

Tương lai mình xán lạn

Phải biết trọng thời gian

Tiếng trống trường giòn tan

Hòa nụ cười rạng rỡ

Ngàn nụ hoa thắm nở

Con lớn khôn mỗi ngày

Bàn tay vẫy bàn tay

Tự tin con vào lớp

Bố nhìn theo chớp chớp

Sắc cầu vồng lung linh.