Sinh viên không có nhu cầu dùng wifi, đại học vẫn thu phí nửa triệu đồng

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhận giấy báo trúng tuyển, nhiều tân sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM chưa kịp vui mừng đã lo lắng vì các khoản phí phải đóng ở trường, trong đó có cả tiền wifi nửa triệu đồng.

Những ngày qua, phụ lục học phí và các khoản phí đối với sinh viên chính quy của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội. 

Trong danh sách này gồm 13 hạng mục, có một số khoản như tiền học phí 14 triệu đồng/học kỳ, lệ phí nhập học 280.000 đồng, tiền giáo trình 800.000 đồng, lệ phí thư viện 690.000 đồng, tiền wifi 500.000 đồng, lệ phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào (trừ ngành ngôn ngữ Anh) 345.000 đồng.

Sinh viên không có nhu cầu dùng wifi, đại học vẫn thu phí nửa triệu đồng - 1

Học phí và các khoản phí đầu năm học tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM (Ảnh: SVCC).

Chưa kể các khoản như lệ phí khác như: kiểm tra tin học đầu khóa gồm 345.000 đồng và 445.000 đồng, học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 4,5 triệu đồng, tiền học kỹ năng mềm 600.000 đồng. Tiếp đó là tiền lệ phí xét ở nội trú ký túc xá, tiền phí nội trú...

Nhận danh sách các khoản tiền trường nói trên, nhiều tân sinh viên của trường không khỏi ngơ ngác. Nhiều khoản các em cho là không hợp lý, có những khoản nằm ngoài hình dung của sinh viên. 

N.N., tân sinh viên của trường cho hay, từ bậc phổ thông chuyển lên, em chưa hình dung được vào đại học phải đóng cả tiền wifi, tiền thư viện... 

"Bản thân em dùng mạng 4G tốc độ cao để học tập, xem phim phà phà cả ngày cũng không hết dung lượng. Em không có nhu cầu dùng mạng của trường nhưng vẫn phải đóng khoản tiền wifi hay sao?", N. cho hay. 

Tân sinh viên này cho biết, em vừa ở quê lên nhập học, có rất nhiều khoản phải chi trả từ tiền học, đến tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt... Mỗi thứ một ít tưởng không đáng bao nhiêu nhưng cộng dồn thành gánh nặng rất lớn đối với gia đình. 

Phí wifi, không dùng cũng phải đóng tiền

Trao đổi với phóng viên Dân trí trước phản ứng của sinh viên về các khoản tiền trường đầu năm, TS Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - cho biết trong phụ lục nói trên có những khoản là tạm thu, có những khoản là tùy chọn và cả những khoản bắt buộc. 

Với học phí 14 triệu đồng, ông Vũ thông tin đây là tiền học phí tạm thu cho học kỳ 1. Học phí trong học kỳ này bao gồm khoảng 15 tín chỉ theo chương trình đào tạo đại trà với mức 600.000 đồng/tín chỉ, chương trình giáo dục quốc phòng 8 tín chỉ và thêm chương trình giáo dục thể chất. Các học kỳ sau, sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ tự chọn. 

Đối với khoản 7 và khoản 8 về lệ phí kiểm tra tin học, thí sinh chỉ chọn 1 trong 2. 

Ông Vũ cũng nhấn mạnh, nhiều khoản trong phụ lục danh sách nói trên là tùy chọn, không bắt buộc. Một số khoản như học phí kỹ năng mềm 600.000 đồng, học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra 3/6... đều không bắt buộc, tùy nhu cầu của sinh viên.

Riêng phí wifi học tập được lý giải do trường đã có những khoản đầu tư lớn để gia tăng băng thông wifi, đáp ứng nhu cầu truy cập Internet phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của người học. Khoản thu 500.000 đồng là cho cả 4 năm học, tính bình quân 12.000 đồng/sinh viên tháng. 

Với trường hợp sinh viên đã trang bị wifi cá nhân, không có nhu cầu dùng mạng từ trường, TS Nguyễn Anh Vũ cho hay: "Đây là khoản trường thu chung, không cá nhân hóa theo từng sinh viên". 

Sinh viên không có nhu cầu dùng wifi, đại học vẫn thu phí nửa triệu đồng - 2

Sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM (Ảnh: Fanpage nhà trường).

Về các khoản bắt buộc như lệ phí thư viện 690.000 đồng mỗi sinh viên thu cho cả khóa học 4 năm, đại diện trường này thông tin, lệ phí thu theo quy định đảm bảo mỗi môn học có tối thiểu 3 sách giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, lượng sách 20-50 cuốn/đầu sách phù hợp để tham khảo. Ngoài ra, trường có sách ngoại văn, các nguồn cơ sở dữ liệu.

Thu tiền theo quy định nhưng trường thừa nhận việc sử dụng thư viện của sinh viên cũng gặp khó khăn trong việc cùng lúc hàng trăm, hàng ngàn em cùng học một thời điểm, đặt biệt là thời điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ.

Giáo trình tài liệu số theo phía nhà trường đây tài liệu do trường biên soạn sử dụng trực tiếp cho các học phần bao gồm nội dung lý thuyết, bài tập, tình huống. Các tài liệu đã được số hóa và cá nhân hóa, sinh viên được cấp tài khoản riêng để truy cập, sử dụng không giới hạn thời gian, số lần truy cập và không cần sách bản giấy.

Theo nhà trường, bình quân một chương trình đào tạo có hơn 40 môn học, sinh viên chỉ trả khoảng 19.000 đồng/môn. Khoản thu này được lý giải để  bù đắp một phần chí phí trường đã đầu tư cho công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, số hóa, vận hành và bảo trì hệ thống học liệu số.