Sở GD&ĐT Hà Nội bàn giải pháp nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với sự tham dự của lãnh đạo 70 trường công lập và tư thục.

Đây là những trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất thành phố năm 2022. Hội nghị đã lắng nghe, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, khó khăn và chia sẻ, thống nhất giải pháp cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp năm nay.

Tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội đứng thứ 27/64 trên cả nước

Tại Hội nghị, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học Lê Hồng Vũ đánh giá kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Theo đó, thành phố có 99,45% số thí sinh đỗ tốt nghiệp; 98/221 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tăng 9 trường so với năm học trước.

Sở GDĐT Hà Nội bàn giải pháp nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, dù tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn thành phố cao, song còn thấp so với một số tỉnh, thành phố, đứng thứ 27/64 của cả nước. Xét theo điểm trung bình từng môn thi, có 41 trường có tất cả các môn thi đều thấp hơn mức trung bình của thành phố.

Hội nghị đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến kết quả tốt nghiệp THPT chưa được như mong muốn. Điều này bắt nguồn từ việc Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông (hằng năm khoảng gần 100.000 em), trong đó có nhiều thí sinh tự do; chất lượng "đầu vào" và điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dạy học ở các trường còn có sự chênh lệch khá lớn.

Ý kiến của các nhà trường cũng nhận định, công tác kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi ở một số nơi chưa sát sao. Điều này thể hiện ở số học sinh bị điểm liệt ở các môn thi nhiều hơn.

Toàn thành phố có 167 thí sinh bị điểm liệt trong số 842 em trượt tốt nghiệp; trong đó môn ngoại ngữ có 60 em (nhiều hơn năm trước 45 em), môn ngữ văn có 33 em (nhiều hơn năm trước 12 em)...

Cải thiện chất lượng giáo dục cần có lộ trình

Xác định việc cải thiện chất lượng giáo dục cần có lộ trình, song không thể chần chừ, các nhà trường đã chia sẻ những giải pháp đã phát huy hiệu quả để các đơn vị bạn cùng tham khảo.

Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ, trường có điểm tuyển sinh thấp trong khu vực tuyển sinh số 1 (gồm quận Ba Đình, Tây Hồ), học lực của học sinh rải ở nhiều mức từ yếu, trung bình đến khá, giỏi. 

Vì vậy, trong kế hoạch ôn tập, nhà trường chú trọng tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh yếu, kém, các em có nguy cơ bị điểm liệt... Nội dung ôn tập cho đối tượng này chủ yếu là ở mức độ nhận biết, thông hiểu.

Với nhóm học sinh khá (chiếm khoảng hơn 70% học sinh toàn khối), nội dung ôn tập được nâng cao hơn ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Với nhóm có học lực giỏi, nhà trường tập trung luyện cho các em các đề kiểm tra ở mức độ vận dụng, vận dụng cao để các em có thể đạt điểm giỏi trong kỳ thi.

Hiệu trưởng Trường THPT Hợp Thanh Hoàng Chí Sỹ cho biết, nhà trường tập trung các nguồn lực hỗ trợ; phân công giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình từng học sinh, phụ đạo học sinh yếu, kém theo từng môn.

Nhằm giúp học sinh không bị điểm liệt, các tổ chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập cho đối tượng này ở mức cơ bản, đồng thời tổ chức cho học sinh tập dượt nhiều lần với các môn thi như kỳ thi thật.

Chia sẻ khó khăn với các nhà trường cũng như những đặc thù của thành phố có số lượng thí sinh rất lớn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kêu gọi mỗi thầy, cô giáo, mỗi nhà trường cùng nâng cao trách nhiệm để đồng hành, hỗ trợ học sinh tốt nhất.

Bên cạnh các giải pháp mà toàn ngành đang triển khai, các nhà trường cần tiếp tục tạo sự lan tỏa của phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm" với những nội dung cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn ở từng đơn vị.