Tháo gỡ những bất cập trong đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật

Lệ Thu

(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, nhân dân đối với Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.

Bao gồm 4 chương, 15 điều, Dự thảo áp dụng với đối tượng là các đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường trung cấp, trường cao đẳng có tổ chức hoạt động đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.

Với Dự thảo này, nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ. 

Tháo gỡ vướng mắc về độ tuổi và trình độ đào tạo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019, trong đó có giao Chính phủ quy định chi tiết về trình độ đào tạo, văn bằng, chứng chỉ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.

Cụ thể: Tại khoản 3 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Giáo dục đại học về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học trong đó quy định: "Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù".

Trong những năm qua, những chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống thông qua các chương trình đề án và đạt hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nội dung chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đổi mới đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại học trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tại khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014) quy định các cơ sở giáo dục đại học được phép tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo luật định. Tuy nhiên, ngày 14/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó, tại khoản 2, Điều 14 quy định: Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, khi có đủ các điều kiện sau đây: Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ LĐ-TB&XH ban hành... Đồng thời, tại khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định: Trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

Tháo gỡ những bất cập trong đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - 1
Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã đề cập tới việc duy trì mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học (Ảnh minh họa: Lệ Thu).

Theo các quy định nêu trên, chỉ quy định cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) thuộc danh mục ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng do Bộ LĐ-TB&XH ban hành được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, không quy định cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp.

Điều này, gây khó khăn, bất cập và không phù hợp đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam và hội nhập quốc tế; ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vì vậy, việc quy định các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cần được đưa vào Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật trên cơ sở cụ thể hóa điểm 4, khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.

Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã đề cập tới việc duy trì mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học.

Điều 5 chương II quy định: "Cơ sở giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp".

Tháo gỡ những bất cập trong đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - 2

Dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã được đăng trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. 

Hướng nghiệp và thời gian đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật

Điều 6 chương II quy định về hướng nghiệp và thời gian đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật có nêu: "Tạo điều kiện để học sinh đang học các cấp tiểu học, cấp THCS, cấp THPT tiếp tục học chương trình giáo dục nghề nghiệp các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo lên cấp học cao hơn trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật".

Theo dự thảo Nghị định, ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là các ngành, nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, múa, xiếc, tạp kỹ, sân khấu, điện ảnh và mỹ thuật.

Tại khoản 2 điều 13 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo... Theo quy định về thời gian đào tạo trình độ trung cấp nêu trên dẫn đến tình trạng bất cập, không phù hợp với thực tế đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù. Vì vậy, thời gian đào tạo trình độ trung cấp cần được quy định trong Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trên cơ sở cụ thể hóa khoản 3 điều 6 Luật Giáo dục năm 2019.

Đào tạo nghệ thuật có tính chuyên sâu đặc thù, vì vậy, việc có những văn bản quy định riêng đối với lĩnh vực đào tạo này là rất cần thiết. Để tháo gỡ những khó khăn đối với hoạt động đào tạo này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ quản lý ngành và quản lý theo lĩnh vực.

Vì vậy, trong dự thảo Nghị định đã quy định nhiệm vụ của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo đối với các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và các trình độ của giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật theo Luật định.

Tháo gỡ những bất cập trong đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - 3
Sinh viên biểu diễn với đàn T'rưng tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái.

Dự thảo giải quyết vấn đề băn khoăn về thời gian đào tạo trình độ trung cấp chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật gắn với đối tượng tuyển sinh và ngành, chuyên ngành, nghề đào tạo:

2 năm đối với học sinh có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương đào tạo các ngành nghệ thuật; 3-4 năm đối với học sinh có bằng tốt nghiệp từ THCS trở lên các ngành âm nhạc, múa, sân khấu, xiếc, tạp kỹ thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn và các ngành thuộc nhóm ngành mỹ thuật; 5 năm đối với học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên hoặc có độ tuổi từ 11-18 các ngành xiếc, tạp kỹ thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn; 6 năm đối với học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên hoặc có tuổi từ 12-14 ngành âm nhạc, múa thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn;

7 năm đối với học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên hoặc có độ tuổi từ 11-14 các ngành âm nhạc thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn; 9 năm đối với học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên hoặc có độ tuổi từ 9-14 các ngành âm nhạc thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo phù hợp với thời gian đào tạo, đối tượng tuyển sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này đối với trình độ trung cấp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật có đào tạo trình độ trung cấp trên cơ sở thống nhất với Bộ VH-TT&DL.