Thiếu nền tảng văn hóa, trẻ như cây không gốc...

Gần đây, không chỉ có du học bậc đại học và cao học, nhiều gia đình có điều kiện đã gửi con đi học ngay từ tuổi phổ thông trung học hoặc sớm hơn nữa. Những người có ý định cho trẻ đi du học ở tuổi trung học nên cân nhắc thêm một số yếu tố...

Tính từ năm 2006, bình quân mỗi năm có 16.000-18.000 sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học. Điều này là bình thường trong một xã hội toàn cầu hóa và là một tín hiệu đáng mừng vì nó phản ánh khả năng tài chính ngày càng cao của một bộ phận dân cư cũng như phản ánh nhận thức về sự cần thiết phải đầu tư cho một nền giáo dục tốt hơn.

Điều đáng lưu ý là gần đây, không chỉ có du học bậc đại học và cao học, nhiều gia đình có điều kiện đã gửi con đi học ngay từ tuổi phổ thông trung học hoặc sớm hơn nữa. Lý do của họ là du học càng sớm thì khả năng tiếp thu ngoại ngữ của trẻ càng cao và sự thích nghi với những biến đổi văn hóa cũng sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những người có ý định cho trẻ đi du học ở tuổi trung học nên cân nhắc thêm những yếu tố sau:

1. Tuổi thiếu niên là tuổi đang hình thành nhân cách, trẻ rất cần một chỗ dựa vững chắc về tinh thần và tình cảm để vượt qua giai đoạn “dở dở ương ương”. Nếu du học, buổi đầu giao tiếp khó khăn, sự giúp đỡ của nhà trường, của các gia đình người bản xứ cũng chỉ có giới hạn, trẻ rất dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, trầm cảm, thậm chí khủng hoảng.

2. Sự tiếp thu văn hóa nước ngoài sẽ có ý nghĩa tích cực trên một cái nền văn hóa vững chắc của dân tộc. Tuổi nhỏ, chưa có được một nền tảng văn hóa sâu sắc, lại sống trong môi trường nước ngoài, thiếu sự chăm lo tinh thần của gia đình, họ tộc, trẻ có thể trở thành xa lạ với cả hai nền văn hóa.

Ở Việt Nam, trẻ không hiểu và không tôn trọng văn hóa Việt; ở nước ngoài, trẻ cũng khó lòng hòa nhập được với người bản xứ, vì những thói quen, cách suy nghĩ, cảm nhận, cư xử hình thành từ thuở còn thơ. Thiếu nền tảng văn hóa dân tộc, trẻ như cái cây không có gốc, chỉ một cơn bão là đổ ập!

3- Đi học ở nước ngoài là một thử thách khó khăn không phải đứa trẻ nào cũng vượt qua được: trẻ nước ngoài được rèn luyện tính độc lập từ lúc chào đời, trong lúc trẻ em Việt Nam, nhất là trong những gia đình khá giả, không được rèn luyện ý thức tự lập, sẽ rất khó khăn khi phải bắt đầu cuộc sống ở nước người, dù cho có sống với gia đình họ hàng chăng nữa. Rèn luyện ý thức là một quá trình lâu dài phải làm từng bước, không thể ngày một ngày hai mà có được.

Phạm Thị Ly

(Giám đốc TT Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa giáo dục quốc tế -Viện Nghiên cứu Giáo dục - ĐH Sư phạm TPHCM)

Theo Người Lao Động