Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở VN:

Tiền không lo, khó nhất là con người!

Rất tâm đắc, ủng hộ việc xây dựng trường ĐH có đẳng cấp quốc tế ở VN, tuy nhiên GS Phạm Phụ, phó trưởng tiểu ban giáo dục (GD) ĐH của Hội đồng Quốc gia giáo dục, cũng không ngần ngại bày tỏ những suy nghĩ, băn khoăn của mình về lộ trình thực hiện ý tưởng này. Ông cho rằng:

- Phải xem xét cả ba vấn đề mà thế giới đang gọi là ba “làn sóng” trong GD ĐH: du học, liên doanh và mở chi nhánh của ĐH nước ngoài ở VN. Hiện nay VN chưa có chiến lược hội nhập quốc tế cho GD nói chung và GD ĐH nói riêng.

 

Mỗi nước đi vào toàn cầu hóa bằng một cách khác nhau. Ví dụ như Malaysia, năm 1997 họ có 35.000 du học sinh đi học ở nước ngoài, tốn kém ngoại tệ và chảy máu chất xám. Năm 1998, họ xây dựng chiến lược, điều chỉnh chính sách về vấn đề này: mở cửa cho các trường ĐH nước ngoài vào cả dưới hai hình thức liên doanh với cơ sở đào tạo trong nước và mở chi nhánh. Đến nay đã có một làn sóng ngược lại: hơn 40.000 lưu học sinh từ hơn 100 nước và vùng lãnh thổ đến Malaysia du học.

 

Trong khi đó, chúng ta cũng có hơn 40.000 lưu học sinh ở nước ngoài nhưng ngành chúng ta cần nhân lực thì ít người học, ngành không cần thì lại đổ xô đi học, tốn kém ngoại tệ rất lớn mà chưa mang lại hiệu quả tương xứng.

 

Ta cũng nên chú ý đến chiến lược của Singapore. Thay vì xây dựng một trường ĐH hàng đầu thế giới, Singapore khuyến khích 10 trường ĐH hàng đầu thế giới, chủ yếu là của Hoa Kỳ, đến mở chi nhánh đào tạo (branch campus).

 

“Khi thành lập, hai ĐHQG đã được xác định mục tiêu đến năm 2010 đạt đến trình độ tiên tiến trong khu vực. Nay đã chuẩn bị bước sang năm 2006, hai ĐHQG của ta đang ở đâu? Tôi nghĩ đến 2010, hai ĐHQG chưa thể đạt mục tiêu đó”.

 

Theo ông, trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN cần xây dựng như thế nào?

 

Trong phân tầng GD ĐH VN hiện nay, chỉ có khoảng 10% là đào tạo mang màu sắc định hướng nghiên cứu, còn 90% là mang màu sắc thực hành nghề nghiệp. Nhưng cũng không nên quên rằng trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm và đặt vấn đề hỗ trợ VN phát triển GD ĐH với những trường ĐH hàng đầu về nghiên cứu của Hoa Kỳ.

 

Có nghĩa là với sự hỗ trợ đó, chúng ta sẽ xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế định hướng cho phần 10% nghiên cứu. Nhưng chúng ta cũng không nên chỉ có một trường ĐH đẳng cấp quốc tế về nghiên cứu, có lẽ cần phải có kế hoạch xây dựng cả trường ĐH có đẳng cấp quốc tế theo định hướng đào tạo nghề nghiệp...

 

Những trường ĐH mà Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm đều là những trường có uy tín và không có ý định mở chi nhánh ở nước ngoài để kinh doanh giáo dục, mục tiêu của những trường đó đều không nhắm đến lợi nhuận. Việc họ nhận giúp ta về tư vấn thôi đã là một cơ hội và VN không nên để lỡ cơ hội này.

 

Nếu xét về mục tiêu cấp bách trước mắt thì cần xây dựng trường nghiêng về định hướng đào tạo nghề nghiệp, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong những năm tới vừa trở thành mẫu mực cho số đông các trường ĐH trong nước.

 

Nhưng đứng về góc độ “cơ hội” như tôi đã phân tích ở trên, với sự hỗ trợ không phải là tiền nhưng còn quí giá hơn tiền - đó là sự tư vấn từ những trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ - thì nên theo hướng xây trường ĐH nghiêng về nghiên cứu. Cơ hội này rất hiếm, bỏ qua sẽ mất.

 

Phải tính toán, xem xét kỹ với những mục tiêu mà ta mong muốn cần phải thực hiện như thế nào cho phù hợp. Thời buổi này không ai đợi đủ thông tin mới làm nhưng cũng không thể bắt tay vào làm khi chưa có thông tin, chưa nghiên cứu, xem xét kỹ, nếu không muốn tốn tiền bạc, thất bại...

 

Không chỉ cần nghiên cứu xem nên xây trường mới hay nâng cấp từ một trường sẵn có mà còn phải tính toán xem nên đào tạo những ngành nào, qui mô ra sao, đối tượng nào vào học... Nếu làm ào ào sẽ hỏng việc lớn. Như chương trình phân ban ở THPT, thí điểm bảy năm rồi bỏ, giờ lại thí điểm đến năm thứ ba vẫn chưa ra hướng đi.

 

Lại là thí điểm trên con người. Thí điểm trên con người phải cực kỳ thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới được bắt tay vào thí điểm chứ.

 

Chắc chắn sẽ gặp phải không ít khó khăn. Thưa GS, khó khăn lớn nhất mà chúng ta sẽ phải đối mặt, tập trung giải quyết khi đầu tư xây dựng một trường ĐH quốc tế là gì?

 

Khó khăn nhất là vấn đề đội ngũ, nguồn nhân lực đạt đẳng cấp quốc tế. Chứ thật ra nguồn lực tài chính đầu tư dù đòi hỏi có lớn, tới 100 triệu USD như nhiều người đang ước tính, nếu đã là tầm nhìn quốc gia thì Nhà nước cũng sẽ giải quyết được, cũng có thể đầu tư. Tiền không lo, khó nhất là con người!

 

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải mạnh dạn thuê chuyên gia nước ngoài vào quản lý, thuê cả giảng viên nước ngoài hoặc phải tìm cách thu hút các GS, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về làm việc. Đây có phải là một giải pháp nhanh gọn mà hiệu quả không, thưa ông?

 

Bóng đá ta đã thuê huấn luyện viên nước ngoài thì tại sao chúng ta lại không thể thuê những nhà quản lý ĐH nước ngoài? Theo tôi, đồng thời phải phối hợp xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý từ cả ba nguồn: sử dụng những người có khả năng từ trong nước, không thể thiếu những người VN ở nước ngoài được thu hút, khuyến khích về làm việc và có thuê người nước ngoài. Vấn đề là chọn người như thế nào, đặt đúng người vào vị trí nào cho phù hợp.

 

Theo Thanh Hà

Tuổi Trẻ