Tuyển sinh đầu cấp hà khắc, học sinh phải rớt nước mắt: Sở GD&ĐT lên tiếng

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Sở GD&ĐT TPHCM đã lên tiếng trước những chất vấn về việc "thi tuyển sinh đầu cấp hà khắc hơn thi đại học", học sinh phải đau đớn, rớt nước mắt.

Tuyển sinh đầu cấp hà khắc, học sinh phải rớt nước mắt: Sở GDĐT lên tiếng - 1

Thí sinh bật khóc ngay trước giờ vào phòng thi môn đầu tiên của kỳ thi lớp 10 năm học 2023-2024 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chính sách giáo dục đang có vấn đề, khiến "ở tuổi 15,16 mà các em phải đau đớn, rớt nước mắt" hay ví việc "thi tuyển sinh đầu cấp hà khắc hơn thi đại học" là những chất vấn đáng chú ý trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân TPHCM ngày 10/7 vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - nêu vấn đề sau kỳ thi lớp 10 vừa qua, hơn 18.000 học sinh ở TPHCM không đủ điều kiện vào học trường công lập. Lý do là vì không đủ trường, không đủ chỉ tiêu.

Qua điều này, đại biểu Phát nhận định chính sách giáo dục phổ thông của chúng ta đang có vấn đề.

"Chúng ta chưa đủ trường công cho phổ thông cấp 2, 3", ông Phát nêu.

Những trăn trở của ông Nguyễn Tấn Phát đã nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 10 ngày 5/12/2011 là "Kiên trì thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội".

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, huy động được 99,7% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%.

Cùng với đó, 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 99,5% đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,8%.

Tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở bậc trung học cơ sở dưới 1%; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, xóa mù chữ cho 1 triệu người từ 36 tuổi đến hết tuổi lao động.

Ông Minh cho biết TPHCM nghiêm túc thực hiện chỉ đạo trên. Hàng năm Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS. Trung cấp nghề, liên thông đào tạo cao đẳng nghề rất phù hợp với nhiều học sinh sau THCS.

Tuyển sinh đầu cấp hà khắc, học sinh phải rớt nước mắt: Sở GDĐT lên tiếng - 2

Với hơn 96.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập và hơn 77.000 chỉ tiêu, TPHCM có khoảng 19.000 học sinh sẽ rớt khỏi kỳ thi này (Ảnh: Nam Anh)

Cũng theo ông Minh, trong năm học 2022-2023, tổng số thí sinh dự thi là 96.325/113.802 học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy, có hơn 17,477 học sinh THCS không tham gia kỳ thi tuyển sinh mà lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp.

"Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng là một đợt khảo nghiệm để học sinh đánh giá lại năng lực, khả năng của mình để có thể lựa chọn hướng đi phù hơn. Thành phố có hơn 55.000 chỗ học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề, cao đẳng nghề để học sinh lựa chọn", ông Minh nhấn mạnh.

Vào năm học mới 2023-2024, ông Minh cho biết, thành phố sẽ tăng thêm 35.000 học sinh tập trung chủ yếu ở những quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao như: TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn…

Để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, Sở GD&ĐT đã trình đề xuất, tham mưu UBND TPHCM các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.

Ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.

Trong đó, sẽ tập trung ở các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo kế hoạch dự kiến, trong năm 2023, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 48 dự án trường học với 672 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 371 phòng. Các dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

"Năm học 2023-2024, thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, đảm bảo tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục đảm bảo theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018", ông Minh khẳng định.

Về giải pháp lâu dài, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, sở đã kiến nghị cần có cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính... để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học.

Về câu hỏi TPHCM có đang thiếu giáo viên hay không, ông Minh đây là thực trạng đang diễn ra, nhất là với các môn tin học, tiếng Anh, mĩ thuật. Tuy nhiên, ông khẳng định chất lượng giáo dục của tất cả các trường trên địa bàn vẫn đảm bảo.