"Xã hội có bao nhiêu nghề, học sinh có bấy nhiêu năng lực"

M.C

(Dân trí) - "Xã hội có bao nhiêu nghề nghiệp thì học sinh có bấy nhiêu năng lực. Nhiệm vụ của nhà trường là phát hiện và phát huy năng lực của học trò, khiến trò tiến bộ, hạnh phúc", Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa nói.

Chiều ngày 28/11/2020, tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) diễn ra buổi talkshow với chủ đề "Trường học hạnh phúc: Sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học trò". Buổi trò chuyện hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển môi trường giáo dục vì hạnh phúc của học trò.

Tham gia buổi trò chuyện này có lãnh đạo ngành giáo dục, chuyên gia giáo dục, tâm lý học đường... cùng với các giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Xã hội có bao nhiêu nghề, học sinh có bấy nhiêu năng lực - 1

Talkshow "Trường học hạnh phúc: Sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học trò".

Mở màn buổi trò chuyện, Tiến sĩ Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT thông tin về các chính sách, đề án đang được triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm phát triển toàn diện năng lực, hình thành phẩm chất của học sinh.

TS. Nguyễn Văn Hòa - người đã dành hơn 20 năm cống hiến cho giáo dục, Chủ tịch HĐQT hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay: "Bắt đầu từ năm 2011 tới nay, trường chúng tôi đã xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" trên cơ sở không chạy theo thành tích, mục tiêu là "dạy học sinh nên người" và "quan tâm đến từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ".

Các thầy cô giáo trở thành những nhà tâm lý giáo dục, là những người truyền cảm hứng. Các thầy cô giáo dạy học cũng với ứng xử văn hóa. Thầy cô thay đổi khiến thầy cô hạnh phúc, khiến cho học sinh hạnh phúc và từ đó cha mẹ học sinh cũng hạnh phúc".

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa khẳng định: "Xã hội có bao nhiêu nghề nghiệp thì học sinh có bấy nhiêu năng lực. Nhiệm vụ của nhà trường là phải phát hiện và phát huy năng lực của học trò, khiến cho trò nào cũng tiến bộ, trò nào cũng hạnh phúc".

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn lời Tổ chức Y tế Thế giới: "Không có con người nào khỏe mạnh mà không có sự quan tâm tới sức khỏe tâm lý".

Xã hội có bao nhiêu nghề, học sinh có bấy nhiêu năng lực - 2

Phụ huynh nêu lên tâm tư với các chuyên gia giáo dục.

Chuyên gia Lệ Thu chia sẻ: "Chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh rất quan trọng. Tâm lý học đường là phòng ngừa những khó khăn có thể xảy ra giống như phòng ngừa bão lũ. Những sự phòng ngừa phải được thực hiện trước khi "bão lũ" xảy ra chứ không chỉ xử lý sự cố".

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chăm sóc tâm lý đối với học sinh. Đây là nền tảng để các em có thể học tập thật tốt các môn văn hóa.

ThS. Nguyễn Thục Hạnh - Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam, người đã đi tới 60 nước trên thế giới bày tỏ kinh nghiệm: "Được trải nghiệm qua một số nền giáo dục, tôi đã thấy được sự khác biệt, đặc biệt là khác biệt giữa phong cách giáo dục phương tây và phương đông. Do đó tôi rất mừng khi nền giáo dục của chúng ta đã không "đi đường tắt" nữa mà chọn con đường đi thẳng tới đích là niềm hạnh phúc của con người".

Góp thêm ý kiến về chủ đề này, TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Tôi đã đi 12 nước, đến nước nào tôi cũng vào các trường để xem xét, học hỏi.

Tôi thấy rằng ngay cả những nước phát triển như Canada, Úc, New Zealand... cơ sở vật chất hạ tầng như bàn ghế, nhà vệ sinh... cũng không được đầu tư quá cao cấp. Chiếc bàn, chiếc ghế cũng chỉ đơn sơ như chúng ta. Tuy vậy, họ đầu tư nhà thể chất, sân vận động, khu liên hợp biểu diễn nghệ thuật... rất rộng lớn.

Sự khác biệt đó cho thấy các nước tiên tiến chú trọng phát triển toàn diện con người, phát huy năng lực và tính tự chọn học tập của học sinh. Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được phát triển bản thân một cách cá nhân hóa chứ không đào tạo như nhau".

Xã hội có bao nhiêu nghề, học sinh có bấy nhiêu năng lực - 3

Chủ đề "Trường học hạnh phúc" thu hút được sự quan tâm sâu sắc của các nhà giáo và phụ huynh.

Tại buổi trò chuyện này, các giáo viên và học sinh tham dự cũng đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia.

Phụ huynh có con đang học lớp 6 nêu lên băn khoăn về vấn đề bạo lực học đường và giáo dục toàn diện cho học sinh. Ông Bùi Văn Linh trả lời rằng: "Mục tiêu của ngành giáo dục đang hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.

Trong đó, học sinh không phải là khách hàng nhưng là trung tâm, giáo viên là then chốt. Thầy cô giáo nỗ lực dạy dỗ để học sinh đến trường được hạnh phúc. Học sinh đến trường được thầy cô yêu thương nhưng học sinh cũng có bổn phận của mình.".

Vụ trưởng Bùi Văn Linh nhận xét về công việc của các nhà giáo hiện nay: "Thầy cô cần phải liên tục học tập và không ngừng hoàn thiện không chỉ năng lực sư phạm mà quan trọng hơn là nhân cách, đạc đức để có thể giáo dục học trò trở thành người có đạo đức, có ích cho xã hội. Nếu được như thế thì phụ huynh sẽ đặt nhiều niềm tin và tình cảm cho thầy cô giáo".

Có người hỏi Tổng biên tập Nguyễn Thục Hạnh về kinh nghiệm định hướng nghề nghiệp của bà. Bà thẳng thắn cho hay bản thân chỉ có một điểm mạnh duy nhất từ khi còn bé cho tới nay là viết văn và hết mình theo đuổi ước mơ làm báo.

Bà cho rằng nếu tự tin vào năng lực của mình và không ngừng phát huy nó thì con người sẽ có được thành công.