Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN “bắt tay” thúc đẩy nghiên cứu trong các trường ĐH

(Dân trí) - Sáng nay 29/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KHCN và GD&ĐT giai đoạn 2017-2025”. Đây được coi là bước đột phá trong mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Lễ kí kết nằm trong khuôn khổ Hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” diễn ra tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh (trái) kí và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kí kết hợp tác.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh (trái) kí và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kí kết hợp tác.

Hội nghị với sự tham dự của hơn 300 đại biểu tới từ các trường đại học trên cả nước, đại diện Ngân hàng Thế giới; lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, hội nghị là nơi các nhà khoa học hội tụ, hiến kế tháo gỡ những nút thắt của cơ chế chính sách và quản trị nhà trường, để hai Bộ cùng nhau rà soát, giải quyết và báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

“Nghiên cứu khoa học (NCKH) và đào tạo là hai trụ cột của trường đại học góp phần tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ đời sống và nâng cao chất lượng đào tạo… Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của chúng ta, những nhà quản lý, những nhà khoa học, các trường đại học, doanh nghiệp… phải làm sao thu hút nguồn lực, đầu tư, phối hợp hành động để đẩy mạnh các hoạt động NCKH trong các cơ sở đào tạo đại học. Mục tiêu cuối cùng là tạo cơ chế để phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trong cơ sở đại học nói riêng và KHCN nói chung, để NCKH tiếp cận thị trường, tiếp cận giáo dục quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Lễ ký kết được xem là dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai Bộ nhằm đẩy mạnh, phát triển hoạt động KHCN trong giáo dục đào tạo.
Lễ ký kết được xem là dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai Bộ nhằm đẩy mạnh, phát triển hoạt động KHCN trong giáo dục đào tạo.

Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, hội nghị lần này hướng đến mục tiêu kết nối giữa các bên liên quan trong huy động mọi tiềm năng đội ngũ, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư; từ đó nâng cao hiệu quả công tác NCKH, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Mục tiêu này sẽ được cụ thể hóa bằng nội dung Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN.

Tại hội nghị, hơn 300 đại biểu đã cùng thảo luận để tìm các giải pháp khả thi để đẩy mạnh NCKH, phát triển KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với thực tế trước mắt cũng như yêu cầu lâu dài về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển KH&CN; tổ chức hoạt động KH&CN và tiềm lực KH&CN, kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về KH&CN cũng như đề xuất kiến nghị, giải pháp.

Phát biểu sau lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN trong việc phối hợp thực hiện các chương trình hợp tác về NCKH, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, hoạt động KHCN tại các cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu tạo nên nhiều sản phẩm sáng tạo có thể ứng dụng trong thực tiễn đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Lệ Thu