1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ Tài chính: Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1 triệu tỷ đồng

Thảo Thu

(Dân trí) - Đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm 10,5% GDP năm 2022, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, theo Bộ Tài chính.

Thông tin về thị trường trái phiếu được ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023 và định hướng chính sách thời gian tới tại trụ sở Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, sau vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới.

Đồng thời, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong, ngoài nước diễn biến phức tạp, thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.

Chính phủ sau đó đã ban hành Nghị định số 08/2023, hoãn một số quy định tại Nghị định số 65/2022 đến hết ngày 31/12 để trung hòa lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Nghị định 08 quy định doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; các trái phiếu đã phát hành trước khi Nghị định 65 có hiệu lực được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 2 năm; ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với 3 nội dung quy định tại Nghị định 65 về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Bộ Tài chính: Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1 triệu tỷ đồng - 1

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính nêu quan điểm không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đơn vị này cũng đề xuất không kéo dài việc hoãn thi hành quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu. Nguyên nhân do quy định này sẽ hạn chế doanh nghiệp lợi dụng thời gian phân phối dài, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua trái phiếu.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện trở lại quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau ngày 31/12/2023. Hiện Việt Nam đã có 3 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trên tổng số cho phép tối đa là 5 doanh nghiệp, trong đó có một doanh nghiệp liên doanh với tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. "Nhiều nước trong khu vực giới hạn số lượng doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm", Bộ nêu.