1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kiểm soát lạm phát trong điều kiện mặt bằng giá mới

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả, để chủ động đối phó trước những tác động của giá thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, phải theo dõi sát diễn biến giá thế giới đối với những mặt hàng có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là chính sách thuế.

Phát biểu tại Hội thảo "Kiểm soát lạm phát trong điều kiện mặt bằng mới giá thế giới" do Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả, Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/9, ông Long cho rằng để làm được việc này cần có chính sách tiết kiệm nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất, nhất là tiết kiệm xăng dầu; tăng cường kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu để điều hoà cung cầu hàng hoá, bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống nhân dân. 

 

Ông Long cũng nhấn mạnh rằng cần có chế tài xử phạt nghiêm những vi phạm về giá, để ngăn chặn các hành vi liên kết độc quyền, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá.

 

Để kiểm soát lạm phát, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng ngân hàng nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt về tỷ giá, thực hiện lãi suất theo hướng khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, nâng cao hiệu quả đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

 

Trong khi đó, ngành thương mại cần phải thiết lập tốt hệ thống thông tin thị trường, mối liên kết và hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước-hiệp hội-doanh nghiệp để giúp việc xử lý các biến động phức tạp của thị trường; củng cố hệ thống phân phối hàng hoá trên thị trường nội địa.

 

Theo Bộ Tài chính, từ cuối quý 3/2003, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng làm cho nhu cầu vật tư, nguyên nhiên vật liệu như phân bón, sắt thép, xăng dầu cũng như nhu cầu nông sản như gạo, chè, cà phê đều tăng. Do nguồn cung không tương xứng và tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới bất ổn đã làm cho giá cả trên thị trường thế giới liên tục biến động, hình thành một bằng giá mới.

 

Tình hình nói trên đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm ở Việt Nam đã tăng mức 6% đã gây sức ép lên lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Theo TTXVN