1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tài sản ông Bùi Thành Nhơn ra sao kể từ chuỗi bán tháo NVL 1 năm trước?

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu NVL trong phiên sáng nay tăng trần, dù vậy thị giá vẫn đánh mất 80% tròn một năm sau chuỗi bán tháo kỷ lục 17 phiên liền.

Thị trường tiếp tục khởi sắc, diễn biến thuận lợi trong phiên giao dịch sáng 2/11. Sàn HoSE có tới 422 mã tăng giá, 8 mã tăng trần so với 68 mã giảm.

NVL tăng trần lên 14.000 đồng và khớp lệnh gần 23,7 triệu đơn vị, trắng bên bán, dư mua giá trần tới 4,61 triệu đơn vị.

Tại Novaland, Công ty cổ phần Novagroup đang sở hữu 536,74 triệu cổ phiếu NVL tương ứng 27,56% vốn điều lệ; ông Bùi Thành Nhơn nắm 96,77 triệu cổ phiếu tương ứng 4,97%.

Tài sản ông Bùi Thành Nhơn ra sao kể từ chuỗi bán tháo NVL 1 năm trước? - 1

Diễn biến cổ phiếu NVL trong một năm qua (Nguồn: Tradingview).

Người nhà của ông Nhơn là ông Bùi Cao Nhật Quân nắm 78,24 triệu cổ phiếu tương ứng 4,02%; bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh nắm 21,64 triệu cổ phiếu tương ứng 1,11% và bà Cao Thị Ngọc Sương sở hữu 50,75 triệu cổ phiếu tương ứng 2,61%. Như vậy, nhóm cổ đông của ông Bùi Thành Nhơn còn nắm khoảng 40,27% vốn điều lệ Novaland.

Ông Bùi Thành Nhơn từng là một trong những người giàu nhất Việt Nam với định giá tài sản vượt 1 tỷ USD, theo Forbes. Với thị giá NVL hiện tại, tài sản của Nhơn còn khoảng 1.355 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản của nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch Novaland khoảng 11.000 tỷ đồng.

Còn nhớ, cùng khoảng thời gian này năm ngoái, cổ phiếu NVL bắt đầu chứng kiến đợt bán tháo lịch sử, kéo dài 17 phiên liên tục từ vùng giá trên 70.000 đồng xuống còn hơn 20.000 đồng. Mức thị giá NVL sau 1 năm đã giảm 80%.

Tài sản ông Bùi Thành Nhơn ra sao kể từ chuỗi bán tháo NVL 1 năm trước? - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng đáng kể nhất đến VN-Index sáng nay (Nguồn: VNDS).

Bên cạnh NVL, nhiều cổ phiếu ngành bất động sản cũng có diễn biến tích cực trong phiên sáng nay. Hầu hết cổ phiếu đạt trạng thái tăng giá, trong đó, QCG và VPH tăng trần, dư mua giá trần vượt xa khối lượng khớp lệnh. DXG tăng 6,5%, áp sát mức trần; KHG tăng 6,4%; DIG tăng 6,3%; HDC tăng 6,1%; ITC tăng 6,1%; NLG tăng 5,9%; TDC tăng 5,9%; DXS tăng 5,7%...

Đồng pha với cổ phiếu bất động sản, nhóm ngành xây dựng và vật liệu cũng bật tăng mạnh. CTD, NHA và LCG tăng trần; FCN tăng 6,3%; CII tăng 6,2%; VNE tăng 6,1%; PC1 tăng 5,9%; BMP tăng 5,8%; VCG tăng 5,1%.

Nhiều cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính cho thấy sức phục hồi mạnh mẽ. TVS tăng 6,7%; CTS tăng 6,5%; EVF tăng 5,9%; AGR tăng 5,2%; FTS tăng 5,1%; VIX tăng 5,1%.

Ngoại trừ VCB điều chỉnh, hầu hết cổ phiếu ngân hàng tăng. BID tăng 3,5%; TCB tăng 3,2%; TPB tăng 3,2%; STB tăng 2,5%; CTG tăng 2,2%; MBB tăng 2%.

Nhờ sự đồng thuận của phần lớn cổ phiếu, VN-Index tạm đóng cửa phiên sáng nay tăng mạnh 15,74 điểm tương ứng 1,51% lên 1.055,4 điểm, lấy lại được mốc quan trọng 1.050 điểm. HNX-Index tăng 5,88 điểm tương ứng 2,81% và UPCoM-Index tăng 1,59 điểm tương ứng 1,95%.

Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn rất yếu. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn sàn HoSE là 360 triệu đơn vị tương ứng 6.643 tỷ đồng. Con số này trên sàn HNX là 63 triệu đồng tương ứng 1.083 tỷ đồng và trên UPCoM là 19 triệu đơn vị tương ứng 263 tỷ đồng.