1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường nhà đất: không phải là "cơn sốt"

(Dân trí) - “Theo tôi khả năng biến động nhiều của thị trường nhà đất là không cao. Sau thời gian biến động thị trường lại chuyển sang trầm lắng như một dao động điều hòa, theo qui luật hình sóng” - ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương thành phố Hà Nội đưa ra dự đoán của mình.

Thưa ông, nhiều người đã dùng từ “cơn sốt” để nói về diễn biến trên thị trường bất động sản thời gian gần đây. Ông có ý kiến gì về điều này?

Sau thời gian dài trầm lắng, từ sau Tết đến nay, thị trường nhà đất đã có những thay đổi mang tính chất “đột biến”. Nhiều nơi giá nhà đất tăng tới 15-20%, thậm chí có những nơi ở TPHCM còn tăng gấp đôi. Tuy vậy, theo tôi, đây không phải là “cơn sốt” vì nó tăng đột biến nhưng lại không đều.

Ngay địa bàn Hà Nội, khu Trung Hòa - Nhân Chính tăng tới 20%, khu Trần Duy Hưng còn cao gấp rưỡi so với cách đây có vài ba tháng. Những quận Cầu Giấy, Tây Hồ đất tăng rất nhanh nhưng Gia Lâm hay Đông Anh, Sóc Sơn không những không tăng mà còn chững lại, rất khó bán.

Ngay như nội thành nhưng ở các chung cư cũ như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên… cơ sở hạ tầng kém thì lại không hề tăng. Tức là bức tranh tăng không đều.

Vậy sự thay đổi “ đột biến” trong thời gian vừa qua đã tác động thế nào tới người kinh doanh và người có nhu cầu mua nhà đất? Ai là người có lợi nhất?

Với người kinh doanh, tôi cho rằng không lợi được bao nhiêu vì sự biến động này không mang tính thị trường mà chỉ có “màu sắc” may rủi. Người “trúng quả” chứng khoán, người có tiền thì cố mua, mua bằng bất kỳ giá nào, kể cả khi giá bị đội lên nhiều, mua chỉ với mục đích để không tiêu tán số tiền có được vào việc khác.

Những người kinh doanh may gặp được khách hàng kiểu này thì bán được, “giải phóng” được một số nhà tồn đọng. Nhưng nhà tồn đọng thì không nhiều. Nhà kinh doanh đơn giản chỉ giải quyết được số ít nhà này, cũng chưa chắc đã khắc phục được số nợ lãi ngân hàng trước đây do không bán được…

Tóm lại, thị trường phải ở trạng thái đều đặn, số người mua bán đều nhiều thì mới có ý nghĩa với nhà kinh doanh.

Thực trạng hiện nay của thị trường có tiếp tục duy trì trong thời gian tới, thưa ông?

Chúng ta đã thấy, sau APEC, nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam tăng nhiều. Một bộ phận người Việt trong biến động vừa qua có xu hướng quay trở lại Việt Nam. Thêm nữa, một số người trúng lớn nhờ chứng khoán đã quay lại đầu tư vào bất động sản.

Những nguyên nhân này có tính đột biến, đó là cơ hội xuất thần làm giá nhà đất tăng mạnh thời gian qua… Sự phát triển của thị trường nhà đất thời gian tới tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường chứng khoán, vào khả năng số Việt kiều về nước sau diễn biến ở Nga vừa qua…

Nhưng phải thấy rằng, gần đây chúng ta đã có những chính sách tích cực, rất tạo điều kiện cho đầu tư nhưng nếu không có những cải tiến đột phá mới thì khó giữ được đà tăng trưởng như hiện nay.

Trong khi đó, chứng khoán đang có xu hướng “siết” lại thì khả năng kéo dài mức tăng đột biến của thị trường bất động sản như thời gian qua rất mong manh… Việc dự báo là thị trường đang “sốt” theo tôi là dự báo hoảng hốt chứ không phải dự báo của người có “tầm” tĩnh.

Theo ông, thực trạng “nóng” vừa qua khó có thể phát triển tiếp. Tuy nhiên, thực tế thì quỹ nhà ở hiện còn lại rất ít và điều này có thể dẫn tới “cơn sốt” thực sự trong thời gian tới?

Nhu cầu nhà ở của Việt Nam, đặc biệt của Hà Nội hiện nay còn rất lớn. Nhưng vì khả năng thanh toán có hạn, nhu cầu ấy không được diễn ra trong xã hội như nhiều người tính toán. Khả năng thanh toán để có một căn nhà bây giờ lại phụ thuộc vào cơ may quá nhiều.

Thêm nữa, thị trường và nhà nước đều tham gia vào việc điều tiết, nên theo tôi khả năng biến động nhiều là không cao. Có thể nói sau thời gian biến động thị trường lại chuyển sang trầm lắng như một dao động điều hòa, theo qui luật hình sóng.

Trong các biện pháp đưa ra bàn nhằm kiểm soát thị trường sau những biến động vừa qua, nhiều người đã nói tới việc đánh thuế cao đối với những người mua ngôi nhà thứ 2 trở đi? Ông nói điều gì về điều này?

Thế nào là cái nhà thứ nhất, thứ hai và đánh thuế như thế nào? Rất khó xác định. Theo tôi, phải đánh thuế vào những tài sản chưa sử dụng, không sử dụng thì mới hợp lí.

Ví như một người có một nhà đang để ở, ngoài ra còn nhiều nhà khác cho thuê, để kinh doanh thì nhà nước vẫn thu được thuế, căn nhà vẫn được đưa vào lưu thông, xã hội vẫn có lợi. Khi đó, đánh thuế sử dụng là ổn, không cần đánh thuế đất nữa. Còn trường hợp căn nhà không được sử dụng thì phải tính thuế hàng năm.

Còn việc đánh thuế vào căn nhà thứ 2, thứ 3… là mục đích để người ta không mua nữa thì sẽ làm cho xã hội không đổ tiền vào khu vực kinh doanh này nữa. Đánh thuế cách đó có thể làm “tịt ngòi” người mua nhưng cũng làm cho quỹ nhà ít xuống, làm cho người ta không dám bỏ tiền đầu tư nhà trong khi quỹ nhà đang rất thiếu.

Như vậy là làm triệt tiêu động cơ làm giàu. Vấn đề là làm sao khuyến khích làm giàu, đã giàu hãy giàu thêm nhưng không được sử dụng lãng phí tài sản, vì tài sản cá nhân cũng là tài sản của xã hội, của quốc gia.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường- Phương Thảo (thực hiện)