"Chặn dòng" nghỉ việc tại khu vực công

Đặng Dương

(Dân trí) - Thời gian qua, không ít cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông xin nghỉ việc, thôi việc. Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu sớm có giải pháp để "chặn dòng".

Loạt nhân viên y tế, người giữ rừng xin thôi việc

Y tế là một trong những ngành có nhiều cán bộ, nhân viên xin thôi việc, chuyển công tác nhất tại tỉnh Đắk Nông. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh này đã có 65 trường hợp, trong đó có 31 bác sĩ nghỉ việc, thôi việc.

Tình trạng được xác định có nhiều nguyên nhân song chủ yếu vẫn là do thu nhập thấp, chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Chính sách thu hút nhân lực ở các cơ sở y tế tư nhân tốt hơn, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao.

Chặn dòng nghỉ việc tại khu vực công - 1

Ngành y tế Đắk Nông đang gặp áp lực về khám chữa bệnh khi thiếu đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao (Ảnh: Đặng Dương).

Tình trạng y, bác sĩ xin thôi việc, chuyển công tác khiến cho các cơ sở y tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều bác sĩ nghỉ việc cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn thu y tế sụt giảm, trong khi các cơ sở vẫn phải thực hiện tự chủ một phần.

Cũng như y tế, ngành lâm nghiệp của tỉnh Đắk Nông đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi tình trạng cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc ngày càng tăng.

Môi trường làm việc nguy hiểm, áp lực, cộng với thu nhập thấp, điều kiện đi lại, ăn ở gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Chặn dòng nghỉ việc tại khu vực công - 2

Anh Đỗ Xuân Trường (bên phải) vừa thôi việc sau nhiều năm gắn bó với công việc giữ rừng (Ảnh: Đặng Dương).

Điển hình tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (huyện Tuy Đức), đơn vị đang quản lý, bảo vệ gần 7.000 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Với mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng, điều kiện sinh hoạt khó khăn, áp lực từ việc giữ rừng cao. Từ tháng 9/2021 đến nay, đơn vị có 7 người xin nghỉ việc.

Anh Đỗ Xuân Trường, nguyên là cán bộ kỹ thuật, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, vừa xin nghỉ việc từ đầu tháng 10.

"Sau 7 năm gắn bó với công việc đúng ngành nghề được đào tạo, lương tôi vẫn chưa đến 5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình 3 người", anh Trường tâm tư.

Hiện tại, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ còn 17 người, trong đó gồm cả cán bộ quản lý và nhân viên. Trung bình mỗi người có trách nhiệm với hơn 390ha rừng và đất lâm nghiệp.

Tình trạng nhiều cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc, chuyển công tác đã làm dao động tâm lý của những người ở lại.

Số công chức, viên chức nghỉ việc có thể tăng thêm?

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 149 công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc. Nếu tính cả số cán bộ, công chức, viên chức cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác ra khỏi địa bàn thì theo ngành nội vụ, con số sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2022, toàn ngành lâm nghiệp Đắk Nông có 148 người nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Theo đánh giá của một số cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, lâm nghiệp, nếu Đắk Nông không có giải pháp đặc thù, tình trạng nghỉ việc, thôi việc tại các đơn vị công lập sẽ tiếp tục tăng thêm.

Ngoài những nguyên nhân chính như thu nhập thấp, môi trường làm việc áp lực, rủi ro thì nhân lực rời các đơn vị công lập còn vì lý do gia đình, sức khỏe hoặc mong muốn thay đổi môi trường làm việc phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân.

Chặn dòng nghỉ việc tại khu vực công - 3

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu sớm có giải pháp để "chặn dòng" nghỉ việc (Ảnh: Đặng Dương).

Trước tình tình cán bộ, viên chức nghỉ việc ồ ạt, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải kịp thời nắm bắt tâm tư người lao động; cải thiện môi trường làm việc; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín.

Để giữ chân cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng, về lâu về dài, phải có cơ chế chính sách, bù đắp thiệt thòi cho những người bảo vệ rừng. Đặc biệt là phải có chính sách bảo vệ cán bộ trong môi trường làm việc nhiều rủi ro, nguy hiểm.