An Giang:

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Cứ mùa nước nổi, mỗi ngày, vợ chồng ông Lâm Thành Nhân lại vượt hơn 40km từ huyện Châu Phú (An Giang) đến kênh 13 thuộc xã Phú Hội đặt dớn bắt hàng chục kg cá linh, thu nhập hơn 1 triệu đồng.

Theo người dân An Giang, năm nay mùa nước nổi đến sớm hơn một tháng so với mọi năm, rơi vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch). Mùa nước nổi không chỉ mang phù sa bồi tụ cho đồng ruộng mà còn đem về lượng cá tôm trù phú cho ngư dân miền Tây. Không ít ngư dân có thể kiếm vài chục triệu đồng khi mùa lũ về. 

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ bắt cá trên đồng ruộng ngập nước (Clip: Bảo Kỳ).

Xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang là một địa phương vừa tiếp giáp biên giới Campuchia vừa là vùng đầu nguồn, nơi thể hiện những nét đặc sắc của miền Tây mùa nước nổi. Hơn một tháng nay, từ lúc trời chưa sáng, rất nhiều ngư dân đã có mặt trên các cánh đồng, tất bật đánh bắt thủy sản, tạo nên khung cảnh mưu sinh nhộn nhịp.

PV Dân trí ghi lại những hoạt động đánh bắt phổ biến của người dân trong mùa nước nổi tại "rốn lũ" An Giang:

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 1

Đặt dớn là phương thức đánh bắt thịnh hành nhất vì có thể thu hoạch nhiều loại thủy sản cùng một lúc như cá, tôm, cua và cả rắn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 2

Dớn được làm từ lưới vá lại thành đoạn dài từ vài trăm mét đến hơn 1 km. Sau khi lựa chọn chỗ đặt theo dòng nước có cá chạy, ngư dân dùng lưới bao quanh tạo thành bầu, mỗi đoạn lưới được cố định bằng nhánh cây dài. Trong bầu đặt 3-4 cái lú, cá tôm chui vào không thể thoát ra (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 3

Ông Nguyễn Văn Ấm cho biết, để sắm dàn dớn phải tốn khoảng 30-40 triệu đồng, bao gồm mua lưới, cây. Ai ít vốn sẽ mượn chủ vựa cá tiền sắm dàn dớn, mỗi ngày bán cá trừ vào tiền mượn. Nếu con nước tốt, cá tôm nhiều, hết mùa lũ, ngư dân vừa trả hết nợ mua dớn vừa có lãi thêm vài chục triệu đồng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 4

Cá đổ dớn khá đa dạng nhưng khi lựa người dân sẽ chia ra làm 2 loại là cá linh và cá chợ. Trong đó, cá linh đầu mùa gọi là cá linh non chế biến thành món ăn, loại cá linh lớn hơn dùng để ủ mắm. Riêng về cá chợ bao gồm các loại như cá chạch, chốt, sặc... (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 5

Cá heo đuôi đỏ thường xuất hiện vào mùa nước nổi. Do chưa thể chủ động nhân giống nên cá heo đuôi đỏ khá đắt. Cá thương phẩm có giá từ 500.000 đồng/kg, cá giống do người dân đổ dớn bắt được có giá khoảng 250.000 đồng/kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 6

Đến mùa nước nổi, vợ chồng ông Lâm Thành Nhân vượt hơn 40km từ huyện Châu Phú đến kênh 13 thuộc xã Phú Hội đặt dớn. Tại đây 2 vợ chồng che chòi cao su ở tạm, đến 1h đêm lại chạy vỏ lãi đi đổ dớn. Những ngày qua, gia đình ông thu hoạch hàng chục kg cá linh, cá chợ, nếu quy thành tiền thì cả nhà kiếm trên 1 triệu đồng/ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 7

Cá linh non có giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Hiện tại, giá cá linh giảm còn hơn 20.000 đồng/kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 8

Anh Phạm Văn Linh đặt xà di bắt cá rô đồng trên ruộng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 9

Xà di được làm bằng tre dài khoảng 60-70cm, bện lại thành hình tròn như cái lọp, đầu trên túm lại hình chóp, đầu dưới tròn như vành thúng được gọi là đáy. Bên hông xà di, ở khoảng giữa là phần cửa hang hay còn gọi là hom, cho cá chui vào (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 10

Sau khi đặt ống xà di gần các bụi cỏ, anh Linh hốt một nắm mồi cho vào miệng xà di. Mồi bẫy cá rô làm từ xác mắm và tro trấu. (Ảnh: Bảo Kỳ).

Độc chiêu của thợ bắt cá linh kiếm bạc triệu mùa nước nổi - 11

Mỗi ngày anh Linh bơi xuồng đặt 200 ống xà di, ước tính kiếm khoảng 20-40kg cá rô, thu về gần 1 triệu đồng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ngoài đặt dớn, xà di, bà con vùng lũ còn có muôn kiểu cách bắt thủy sản độc đáo như lọp cua, tôm, đẩy côn, đẩy lưới, đặt trúm, xúc rận... Tạo nên bức tranh văn hóa miền Tây sông nước sống động, đa sắc màu.