“Làm bóng” trước khi chọn nghề

Nếu trả lời “chưa” trước câu hỏi: “Bạn đã bao giờ làm bóng của ai chưa?” thì 99% bạn sẽ bị xem là “lạc hậu nhất trên đời”.

Rất may (hay rất tiếc) chuyện này chỉ mới xảy ra ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ - nơi mà phương pháp giáo dục “shadowing” được xem là thước đo quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp và rèn luyện các kỹ năng cần thiết trước khi ra trường.

Phương pháp shadowing, xuất phát từ shadow (cái bóng), được hiểu đơn giản là “dán một học sinh muốn học ngành bác sĩ sau lưng một bác sĩ thật sự trong suốt một ngày trời”.

Trong một ngày dính như bóng với hình cùng người bác sĩ trong môi trường bệnh viện, cậu học sinh cuối cấp sẽ biết được những khó khăn, vất vả cũng như những điều hạnh phúc thật sự của người thầy thuốc.

Hơn thế nữa, tổ chức giáo dục còn yêu cầu người “cho bóng” phải mời “cái bóng” của mình đi ăn trưa để... tâm sự về chuyện gia đình, quan hệ xã hội cùng những điều rất linh tinh khác để cậu ta có thể nhìn được nhiều chiều hơn trước khi điền vào đơn đăng ký thi đại học.

Ngày hôm sau, cậu học sinh ấy phải đối diện với hàng loạt câu hỏi tự vấn kiểu như: Cảm giác quan trọng nhất của ngày hôm qua là gì? Điều gì tuyệt diệu nhất trong nghề bác sĩ? Điều gì kinh khủng nhất? Bác sĩ cần những tố chất gì, phải học thêm những gì nữa? Mình có thích hợp không?

... Hàng loạt câu hỏi được gợi ý sẵn từ phía nhà trường để giúp cậu học sinh quyết định ngành học tương lai của mình trên cơ sở trải nghiệm và chia sẻ với một đàn anh. Và nếu câu trả lời là không hoặc không rõ, anh chàng lại được thu xếp làm bóng của một người khác, một nghề khác.

Cậu học sinh trung học và nghề bác sĩ nêu trên chỉ là một ví dụ tương đối điển hình của hàng triệu học sinh - sinh viên toàn nước Mỹ và nhiều quốc gia khác đã, đang hay chuẩn bị làm bóng.

Đừng thắc mắc vì sao có cả sinh viên - vì trong nhiều trường hợp sinh viên cũng cần thêm một lần làm bóng để định hướng rõ hơn về công việc, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức cần thiết mà đôi khi nhà trường không đáp ứng hết được.

“Tôi thì nghĩ điều quan trọng của việc đi làm bóng của một người sinh viên là để củng cố niềm hăng say học tập vì biết chắc rằng trong một thời gian ngắn nữa mình sẽ “nên hình” thật sự!” - Ivy, một sinh viên ngành báo chí của Mỹ, cho biết.

Chính vì shadowing ảnh hưởng quyết định đến tương lai của cả một thế hệ nên nó không còn nằm trong giới hạn nhà trường nữa.

Tại Mỹ, nhiều tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục đã ra đời nhằm tạo một cầu nối giữa học sinh, sinh viên và các hình mẫu khác. Bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin thú vị về chuyện “làm bóng” tại các website www.jobshadow.org; www.jobweb.com...

Hóa ra, shadowing là một hoạt động “cả nhà đều vui”, vì theo phân tích của hệ thống các trường trung học xứ Wake của Mỹ, thì học sinh sẽ vỡ ra được những điều mà mình chỉ mơ hồ biết về nghề nghiệp.

Giáo viên sẽ có dịp cập nhật những gì mình đang dạy trong trường có phù hợp với thực tế sinh động ngoài đời hay không. Người hướng dẫn sẽ có một ngày được trẻ lại khi làm việc với một học sinh và chắc chắn nó giúp anh ta yêu nghề hơn. Quan trọng hơn hết, nó giúp nước Mỹ định hình một lực lượng lao động mới trong tương lai.

Theo Trần Nguyên
Tuổi Trẻ