1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mất điện, chủ trại vắt sức thâu đêm cấp cứu lợn

Hạnh Linh

(Dân trí) - Điện bị cắt liên hồi khiến nhiều người chăn nuôi tại Thanh Hóa lao đao. Lo lợn chết, các chủ trang trại phải chi tiền triệu mua xăng, dầu chạy máy phát, ngày đêm trực chiến để "cấp cứu" đàn lợn.

Sau nhiều ngày loay hoay "ôm" chiếc máy phát điện để duy trì hệ thống làm mát cho đàn lợn hơn 1.000 con, ông Lê Đình Kháng (56 tuổi, ở thôn 2, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bơ phờ.

Ông Kháng cho biết, gia đình ông nuôi lợn theo mô hình khép kín nên hễ mất điện là lập tức phải dùng máy phát. Để đảm bảo chuồng trại luôn ổn định ở nhiệt độ 28-30 độ C trở xuống thì phải dùng quạt, tạo gió lưu thông thoáng đãng…

Mất điện, chủ trại vắt sức thâu đêm cấp cứu lợn - 1

Gia đình ông Kháng sử dụng 4 máy phát điện cùng lúc để cứu đàn lợn mỗi khi mất điện (Ảnh: Hạnh Linh).

Không có điện, hệ thống làm mát, tưới, tắm, đàn vật nuôi không thể hoạt động, cũng không được cấp nước uống. Nghiêm trọng hơn, mất điện, quạt thông gió không hoạt động nếu không phát hiện, can thiệp kịp thời, đàn lợn sẽ chết ngạt nhanh chóng.

Không muốn công sức đầu tư "đổ sông, đổ bể", những ngày bị tiết giảm, cắt điện vừa qua, ông Kháng cùng 8 lao động khác luôn kè kè, túc trực bên 4 máy phát điện ngoài chuồng trại, sẵn sàng nổ máy ngay khi mất điện.

"Ở khu vực tôi bị cắt điện bình quân từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ/ngày, có ngày mất liền 12 tiếng. Những hôm như vậy gia đình tôi "đốt" hết 8 triệu đồng tiền dầu chạy 4 máy phát. 8 triệu đồng là tương đương tiền bán 1,5 con lợn rồi", ông Kháng rầu rĩ.

Mất điện, chủ trại vắt sức thâu đêm cấp cứu lợn - 2

Anh Phạm Hữu Trình mệt mỏi, lo lắng khi phải trực chiến với đàn lợn (Ảnh: Hạnh Linh).

Mất điện, chủ trại vắt sức thâu đêm cấp cứu lợn - 3

Mỗi lần mất điện, anh Trình phải đầu tư tiền triệu để mua dầu cho máy phát (Ảnh: Hạnh Linh).

Đôi mắt thâm quầng, người ướt đẫm mồ hôi khi vừa cật lực quay cần khởi động đám máy phát điện cho hệ thống quạt làm mát, tưới chuồng trại cho đàn lợn 350 con, anh Phạm Hữu Trình (35 tuổi, thôn Tế Độ, xã Tế Nông, huyện Nông Cống) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn thường xuyên xảy ra cắt điện luân phiên.

Ngày ít nhất cũng bị cắt điện 8 tiếng đồng hồ, không thì liền 12 tiếng, đỉnh điểm có hôm mất tới 18 tiếng, cuộc sống, công việc đảo lộn, cả nhà mệt bã, vắt kiệt sức trong nắng nóng. Thế nhưng người ốm cũng không lo bằng lợn ốm.

Chỉ một tiếng đồng hồ không có điện là hàng trăm con lợn có thể chết sạch nên  4 thành viên trong gia đình anh Trình chia nhau túc trực bên chuồng trại, sẵn sàng chạy máy phát.

Mất điện, chủ trại vắt sức thâu đêm cấp cứu lợn - 4

Mỗi lần, ông Kháng phải mua cả trăm lít dầu để sẵn, chờ mất điện là "tiếp sức" cho máy phát (Ảnh: Hạnh Linh).

"Cả nhà không ai dám đi đâu, chỉ loanh quanh ở khu trang trại, mất điện là phải khởi động máy phát ngay. Thậm chí tôi còn không dám ngủ, phải thức đêm, thức hôm canh đổ nước, làm mát, tiếp dầu cho máy", anh Trình than.

10 năm chăn nuôi, theo anh Trình, năm nay khó khăn hơn cả. Giá lợn giống cao, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng, trong khi giá lợn bán ra chỉ ở mức trung bình, nay lại thêm mất điện, gia đình phải sử dụng máy phát để cứu đàn lợn.

Bình quân mỗi ngày mất điện, gia đình dùng hết khoảng 70 lít dầu cho một máy phát 25kw, tính ra tiền hết khoảng 1.000.000 đồng.

Mỗi năm gia đình anh Trình nuôi 2-3 lứa lợn. Đây là lứa lợn đầu của năm nay. Lợn đang đến kỳ xuất bán nên anh thận trọng trong từng khâu, dù có vất vả, tốn kém đến đâu anh cũng phải "bấm bụng" chi tiền cứu đàn gia súc.

Mất điện, chủ trại vắt sức thâu đêm cấp cứu lợn - 5

Anh Trình giờ chỉ mong tình trạng mất điện chấm dứt để người chăn nuôi có cơ hội vớt lại vốn liếng (Ảnh: Hạnh Linh).

"Cố mọi cách để cứu đàn lợn khỏi chết nhưng chắc có bán hết lứa lợn cũng không cứu được gia đình tôi khỏi lỗ. Xong đợt này, tôi tính không đầu tư tái  đàn nữa bởi nếu tái diễn tình trạng mất điện như thế này rất mệt mỏi, càng làm càng lỗ, gánh nợ", anh Trình vò đầu, bứt tai.

Bà Nguyễn Thị Tình - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống cho biết, trên địa bàn có 47 trang trại theo tiêu chí 02 (về phát triển kinh tế trang trại). Trong đó có 19 trang trại chăn nuôi chủ yếu là nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, thủy cầm; 12 trang trại tổng hợp; 9 trang trại trồng trọt, 7 trang trại thủy sản.

"Việc mất điện luân phiên dẫn đến 2 vấn đề, không đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và làm đội chi phí sản xuất, chăn nuôi, bởi người nông dân phải bỏ tiền mua dầu, chạy máy phát duy trì làm mát cho đàn gia súc, gia cầm", bà Tình cho biết.