Giảm tiêu thụ động vật hoang dã tại Đà Nẵng

(Dân trí) - Sáng 28/1, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức buổi giới thiệu dự án “Giảm tiêu thụ động vật hoang dã tại TP Đà Nẵng”.

Theo Trung tâm GreenViet, trong những năm qua, có nhiều dự án được triển khai nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa đủ mạnh để chấm dứt được sự gia tăng tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong khi đó, theo báo cáo của Cục kiểm lâm, tỷ lệ tịch thu động vật hoang dã tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đều chiếm trên 50% của cả nước. 
 Loài voọc chà vá chân nâu đang sống trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) 
 Loài voọc chà vá chân nâu đang sống trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) 

Đà Nẵng là một trong ba trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch lớn của cả nước, nơi hàng năm tiếp đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và nghỉ dưỡng. Hơn nữa Đà Nẵng còn nằm trên tuyến đường vận chuyển động vật hoang dã từ Kon Tum, Gia Lai và Bình Định đi các tỉnh phía Bắc. Thành phố du lịch nổi tiếng này còn là nơi tiềm tàng các hoạt động tiêu thụ động vật hoang dã như khách du lịch mua quà lưu niệm từ động vật hoang dã, các nhà hàng, khu du lịch, các quán ăn đặc sản sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã để phục vụ du khách… Ngoài ra, người dân Đà Nẵng cũng là một lực lượng tiêu thụ động vật hoang dã đáng kể. Theo số liệu của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tổng hợp tại Đà Nẵng, số vụ vi phạm về quảng cáo và bán sản phẩm từ động vật hoang dã là 31 vụ trong năm 2013 và 80 vụ trong năm 2014. Số vụ vi phạm về trưng bày và nuôi nhốt là 15 vụ trong năm 2013 và 29 vụ trong năm 2014.

Với dự án “Giảm tiêu thụ động vật hoang dã tại TP Đà Nẵng” Trung tâm GreenViet chủ trương hợp tác với các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng địa phương và các cơ quan truyền thông trong khu vực để thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tại TP Đà Nẵng, nhắm đến các đối tượng tiêu thụ cụ thể. Mục tiêu của dự án là “TP Đà Nẵng không còn là nơi tiêu thụ động vật hoang dã trọng điểm của Việt Nam”.

Dự án triển khai từ nay đến tháng 8/2015.

Được biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng về các loài động vật hoang dã, đặc biệt có nhiều loài nằm trong danh mục các loại động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Tuy nhiên, thói quen tiêu thụ động vạt hoang dã của người Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tuyệt chủng một số loài nguy cấp như: Hổ Đông Dương, sao la, các loài gà lôi và trĩ…

Khánh Hồng