Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10

Giải pháp nào cho "khủng hoảng niềm tin" và "lạc giá trị" trong sinh viên?

(Dân trí) - “Bộ phận sinh viên chưa có phương pháp, kỹ năng, động cơ học tập đứng đắn dẫn đến “khủng hoảng niềm tin”, “lạc lõng tìm kiếm giá trị” và buông thả, sa vào vòng xoáy tệ nạn, bị cuốn theo mặt trái của xã hội”, nam sinh Vũ Đình Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN nêu lên trong bài tham luận của mình tại Đại hội Hội SVVN.

Tại Phiên trọng thể Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10, sinh viên Vũ Đình Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tham luận “Sinh viên Thủ đô học tập tốt, khơi nguồn sáng tạo”.

Nam sinh Vũ Đình Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN trình bày bài tham luận với phong cách tự tin, truyền cảm hứng.
Nam sinh Vũ Đình Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN trình bày bài tham luận với phong cách tự tin, truyền cảm hứng.

Đình Hoàng nêu vấn đề: Mặc dù các trường Đại học - Cao đẳng và Hội Sinh viên trên cả nước có rất nhiều cách làm phong phú, hiệu quả nhưng việc thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên còn một số hạn chế như: chưa lan tỏa sâu rộng, không phải sinh viên nào cũng hào hứng với các hoạt động học tập hay sáng tạo; một bộ phận sinh viên chưa có phương pháp, kỹ năng, động cơ học tập đứng đắn dẫn đến “khủng hoảng niềm tin”, “lạc lõng tìm kiếm giá trị” và buông thả, sa vào vòng xoáy tệ nạn, bị cuốn theo mặt trái của xã hội. Theo Vũ Đình Hoàng những tồn tại ấy xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

- Lí do đầu tiên đến từ chính các bạn sinh viên đó là tính chủ động, khả năng tự học của sinh viên còn hạn chế. Một số sinh viên học tập mang tính thụ động và khuôn mẫu, chỉ học bài và ôn bài khi sắp thi, chưa chủ động đào sâu nghiên cứu, tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn, định hướng cho bản thân.

Một bộ phận sinh viên còn mất nhiều thời gian cho games, lướt web nói chuyện phiếm, la cà ở các quán nước vỉa hè... Một bộ phận sinh viên còn thiếu đam mê, chưa có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và không có kế hoạch học tập cụ thể. Điều đó giống như một con thuyền trôi không rõ phương hướng, không tìm thấy đích đến của hành trình.

Sự tự nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc tự nỗ lực, tự học tập, rèn luyện trong phát triển bản thân của một bộ phận sinh viên còn chưa cao. Điều này đã hạn chế phần nào sự nỗ lực phấn đấu, phát triển năng lực để thay đổi cuộc sống của họ. Một bộ phận sinh viên chưa có sự nỗ lực cố gắng trong việc tự hoàn thiện bản thân mà chủ yếu trông chờ, đổ lỗi cho nền giáo dục, cho chính sách và các điều kiện khách quan khác…

- Lí do thứ hai, một bộ phận tổ chức và cán bộ Hội sinh viên còn thụ động, chưa chú trọng thậm chí coi nhẹ việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên học tập. Họ đã quên học tập là nhiệm vụ chính trị của sinh viên và với vai trò “chăm lo, bảo vệ quyền lợi” cho các bạn sinh viên thì tổ chức Hội sinh viên và đội ngũ cán bộ Hội cần đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập - nghiên cứu khoa học của sinh viên trong nhà trường.

Giải pháp nào cho "khủng hoảng niềm tin" và "lạc giá trị" trong sinh viên? - 2

Để phong trào sinh viên học tập và sáng tạo thực sự có sức lan tỏa mạnh và phát triển mạnh mẽ, mang đến hiệu quả thiết thực đối với sinh viên, Đình Hoàng có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

- Đối với Nhà trường: Cần nhất quán và coi trong công tác hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, coi các công trình sáng tạo của sinh viên là giải pháp có tính đột phá góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, đồng thời cần có những chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động sáng tạo với sự tham gia, xúc tiến, hỗ trợ của các tổ chức ngoài Nhà trường để kết nối với các nhu cầu thực tiễn cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư.

Tạo một môi trường của sự sáng tạo, ham học hỏi gắn liền với sự chuyển động của xã hội có như vậy thì số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ lớn hơn rất nhiều hiện nay và cũng làm giảm bớt nỗi bức bí về nguồn nhân lực cho không ít công việc mang tính thực tiễn ở bên ngoài nhà trường.

Nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng mở, nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Cần chuyển từ hình thức học chủ yếu ở trên lớp sang hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học làm tăng tư duy sáng tạo cho sinh viên.

Cần thay đổi tiêu chí đánh giá trình độ sinh viên từ chỗ coi trọng việc hấp thụ tri thức đến việc đề cao năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành của sinh viên. Chuyển từ hướng dạy học theo lối “áp đặt” sang hướng trang bị các phương pháp tiếp cận, thu nhận và xử lý các thông tin và tri thức nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề, tư duy nhạy bén, tính tích cực chủ động của sinh viên. Tăng cường sự tương tác giữa thầy giáo và sinh viên, kích thích năng lực tư duy, năng lực giao tiếp... cho sinh viên.

- Đối với tổ chức Hội sinh viên:

Thứ nhất, tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn; kết hợp với việc giao lưu giữa sinh viên với những người thành công trong học tập, NCKH, từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong sinh viên.

Thứ hai, Hội Sinh viên cần tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên trong từng khóa để tập hợp những vướng mắc và cùng giải quyết. Muốn được như vậy thì các cán bộ Hội phải đi sâu, nắm rõ được tình hình học tập của từng cá nhân trong chi hội và thường xuyên phản ánh với các cấp.

Thứ ba, Hội Sinh viên cần có những hoạt động thúc đẩy tuyên truyền, đưa các thông tin về nghiên cứu khoa học, các hoạt động thúc đấy tinh thần sáng tạo đến gần hơn với sinh viên hơn nữa, làm cho mỗi sinh viên đều tự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, của việc học tập sáng tạo. Nghiên cứu khoa học không phải là một điều gì đó xa vời mà rất thiết thực với bản thân sinh viên.

Thứ tư, phối hợp với Đoàn thanh niên, các phòng ban chức năng phát huy vai trò của giảng viên trẻ trong việc hướng dẫn sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đa dạng hoá về nội dung, hình thức các sân chơi kiến thức, giáo dục kỹ năng nhằm thu hút sinh viên tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ học thuật và kỹ năng cho sinh viên. Công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình trong học tập và nghiên cứu khoa học cũng cần được chú trọng.

Thứ năm, Hội Sinh viên cần phải là cầu nối thực sự giữa sinh viên và nhà trường, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu. Đây là một kênh thông tin chính thức, có thể đảm bảo tính chính xác trong thông tin giữa các bên. Từ đó phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học, các ý tưởng sáng tạo trong sinh viên.

Giải pháp nào cho "khủng hoảng niềm tin" và "lạc giá trị" trong sinh viên? - 3

- Đối với sinh viên:

Một là, tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp từ đó phát huy được hết các khả năng tư duy, sáng tạo của mình trong quá trình học tập, nghiên cứu đồng thời tạo thêm niềm hứng khởi, say mê trong quá trình học tập. Đây là các yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lớn đến kết quả và chất lượng học tập, nghiên cứu của sinh viên.

Hai là, nâng cao khả năng tự học và tăng cường thảo luận. Ngoài thời gian nghe giảng trên lớp thì sinh viên cần tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu ở nhà, ở thư viện để mở rộng và đào sâu tri thức, trong đó kỹ năng tự đọc tài liệu rất quan trọng. Tận dụng tối đa tiện ích và ứng dụng CNTT trong việc khai thác, tìm kiếm và chia sẻ học liệu qua mạng Internet. Nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm thì giờ thảo luận sinh viên phải là tích cực trình bày quan điểm và tranh luận. Ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời và thay vì đi vào những vấn đề quá phức tạp và mất nhiều thời gian thì hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước.

Nếu có thể thực hiện tốt được những điều trên, phong trào sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, tư duy sáng tạo chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sân chơi bổ ích, thu hút sự tham gia đông đảo các bạn các bạn sinh viên vốn đã mang trong mình khát khao được học tập và khám phá.

"Tương lai của đất nước nằm trong tay của thế hệ sinh viên, chính vì vậy chúng ta cần phải chú trọng thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của một sinh viên đó là học tập, chỉ có học tập, nghiên cứu chúng ta mới có thể làm chủ được tri thức, công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lập thân, lập nghiệp, trở thành những công dân có ích đối với xã hội", Vũ Đình Hoàng kết thúc bài tham luận của mình.

Mai Châm