Học với... Phó thủ tướng

“Tôi có hai cách để trò chuyện với các bạn. Thứ nhất là tôi sẽ nói những vấn đề mà các bạn quan tâm, thứ hai là các bạn hỏi tôi trả lời”. Phó thủ tướng Vũ Khoan đề nghị sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM hãy chọn lựa “một trong hai cách làm việc” của ông. Và họ đã chọn cách thứ hai...

Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO là câu chuyện nóng và chiếm phần lớn các câu hỏi mà các bạn sinh viên, giảng viên trẻ đến từ các ngành Quan hệ quốc tế, Khoa kinh tế, ĐH Quốc tế trực thuộc ĐHQG TPHCM đặt ra cho Phó thủ tướng sáng 31/5.

 

Bắt đầu bằng một sự băn khoăn của một giảng viên trẻ của Khoa kinh tế khi đề cập nỗi lo lắng về các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đứng vững trên thương trường khi gia nhập WTO, Phó thủ tướng đã nói ngay về “sự tự ti” và một “niềm tin dân tộc”.

 

Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt: “Chúng ta phải có tự hào dân tộc! Tại sao chúng ta cứ tự ti khi niềm tin đó là có thật? Các nước “sợ” khi chúng ta xuất khẩu gạo, cà phê; nếu chúng ta không mạnh thì làm gì có chuyện tại sao họ đánh thuế chúng ta về cá, tôm rồi dệt may? Người ta cứ nói doanh nghiệp sẽ chết hàng loạt, nhưng tôi chưa thấy ai gia nhập WTO mà chết cả”.

 

Phó thủ tướng bắt đầu kể chuyện về hai bài học trong cuộc đời ông, đó là câu chuyện về tầm quan trọng của việc học, của nguồn nhân lực. Câu chuyện thứ nhất là về nước Đức phải bồi thường sau chiến tranh, nếu như Liên Xô nhận bồi thường là các nhà máy sản xuất thì Mỹ lại chọn cách bồi thường là các nhà khoa học Đức. “Câu trả lời như thế nào ai cũng rõ cả!” - Phó thủ tướng nói tiếp.

 

Chuyện thứ hai là khi chuẩn bị làm khu công nghiệp ở tỉnh Sông Bé, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã không hề quan tâm đến giá đất cho thuê, ưu đãi của tỉnh mà vấn đề ông quan tâm nhất là tỉnh có bao nhiêu sinh viên, bao nhiêu trường học. Vì đó chính là nguồn nhân lực để phát triển khu công nghiệp.

 

Bài học về sự quan trọng của nguồn nhân lực ấy cũng được một nữ sinh viên Khoa kinh tế đặt ngay cho Phó thủ tướng: “Thưa bác! Chúng ta hội nhập quốc tế thì làm sao cạnh tranh được yếu tố con người? Cháu có một người chị tốt nghiệp ĐH Kinh tế khi về tỉnh làm việc ở Sở Tài chính thì lương một tháng là 800.000 đồng, trong khi một công ty khác của Đài Loan mời về làm trả 5 triệu/tháng. Nếu như bác thì bác chọn việc làm ở đâu?”.

 

Câu hỏi thực và câu trả lời cũng rất thực khi Phó thủ tướng thừa nhận: “Nếu chúng ta chạy đua về lương thì vô vọng, chúng ta hiện nay còn hơn 4 triệu gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, muốn tăng lương phải dựa trên tổng thể, làm sao có thể có mấy ngàn USD để trả lương cho một trí thức mới ra trường?

 

Trong khi đó, việc cạnh tranh con người không chỉ là vấn đề riêng của nước ta mà hầu hết các nước đang phát triển cũng gặp phải “tai nạn” này. Các nước đầu tư vào Việt Nam, thì cho dù làm việc ở đâu cũng là đóng góp cho đất nước, họ vẫn tạo nguồn thu cho nước ta. Họ đã đầu tư thì phải có người làm, nếu mình không làm thì người khác cũng làm”.

 

Một sinh viên năm 3 ngành Quan hệ quốc tế đặt câu hỏi về “vai trò của các trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế trong việc hoạch định chính sách đối ngoại”, cũng được Phó thủ tướng giải thích thật rõ ràng, bắt đầu từ một... câu hỏi ngược lại: “Tại sao người Nhật thích ăn sống?”.

 

Phó thủ tướng giải thích cũng như trả lời: “Triết lý người Nhật là cái gì thiên nhiên ban tặng là không cải tạo được. Con cá, con tôm do thiên nhiên ban tặng là tốt nhất rồi, không có gì tốt hơn và thay thế được. Quan hệ quốc tế hay làm đối ngoại phải hiểu thật nước mình, hiểu thật đối tác... vì ngoại giao là nghệ thuật của các khả năng”.

 

Hơn 11 giờ trưa. Không khí trong hội trường vẫn nóng với hàng loạt cánh tay giơ lên. Một bạn nữ sinh viên đã không giấu nổi niềm vui khi khoe với Phó thủ tướng rằng: “Chiều nay con sẽ về nhà khoe với ba mẹ con là được trò chuyện với bác.

 

Con mong các quan chức khác cũng thế, cố gắng dành thời gian ít ỏi đến nói chuyện với sinh viên để không chỉ truyền thụ thêm kiến thức mà còn là sự khích lệ sinh viên trên con đường học tập và xây dựng đất nước”.

 

Quả là một buổi học thật đáng nhớ và sinh động!

 

Theo Nguyễn Phan
Tuổi Trẻ