Khi cánh cửa Đại học đóng lại

Nếu kì thi đại học năm nay không như ý, các sĩ tử hãy bình tĩnh để lấy lại tinh thần nhé!

Có ai đó đã nói rằng, cuộc sống luôn công bằng với tất cả mọi người. Ông trời sẽ không lấy mọi thứ của chúng ta mà không đền đáp cho chúng ta những thứ xứng đáng.

 

Bởi thế, nếu với các sĩ tử của kì thi đại học năm nay phải đối mặt với thành công bị trì hoãn thì hãy bình tĩnh để lấy lại tinh thần nhé! Bạn có thể tham khảo những cách làm của người đi trước dưới đây !

 

Chuẩn bị cho thất bại

 

Tớ có một đứa bạn thân rất thân. Nó luôn hối hận về những năm tháng cấp 3 mải chơi mà chểnh mảng chuyện học hành. Những ngày thầy cô, ba mẹ giục giã chuyện chọn trường chọn ngành đăng kí bạn ấy mới ngỡ ngàng nhận ra thời gian đã trôi quá nhanh, trong ngỡ ngàng và hối tiếc.

 

Những lỗ hổng kiến thức của rất nhiều năm học không thể được bù đắp trong vài ngày, những niềm tin, kì vọng không đủ sức kéo thực lực đi lên. Bạn ấy không nản lòng, không thỏa hiệp bằng cách tiếp tục bỏ bê chuyện học tập.

 

Trang (Bắc Ninh) tâm sự : “ Tớ nghĩ nếu mình có sự chuẩn bị tốt cho thất bại, thì vấp ngã đó hoàn toàn không thể đánh đổ được mình. Tớ cũng đã xin lỗi bố mẹ về kết quả kì thi năm nay.

 

Tớ hứa với mọi người sẽ chăm chỉ để có thể thi đỗ học viện Báo chí và tuyên truyền vào năm sau. Tớ vẫn tham dự kì thi đại học năm nay bởi muốn trải qua cảm giác căng thẳng trong phòng thi, chuẩn bị trước cho nó để có thể vững vàng đối diện vào năm tới. Tớ tin chỉ cần tớ không đánh mất lòng tin. Thất bại nhất định sẽ trở thành mẹ của thành công”.

 
Khi cánh cửa Đại học đóng lại  - 1

"Trở thành sinh viên không có nghĩa là thành công duy nhất. Trượt đại học không đồng nghĩa với việc bạn sẽ đánh mất tất cả..." (ảnh mang tính minh họa)
 

Đi một con đường khác

 

Gia đình Việt Nam cũng như gia đình các nước khác ở châu Á luôn coi trọng chuyện con cái được vào đại học. Thế nhưng, không phải bất kì bố mẹ nào cũng đặt nặng áp lực phải thi đỗ lên đầu các sĩ tử.

 

“Bố mẹ tớ thực sự là một trong những người tâm lý như thế!” Tâm ( Đà Nẵng ) mỉm cười khi nói về bố mẹ mình. “Khi biết tin tớ không đỗ đại học, bố mẹ tớ đã nói với tớ rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể đi trên những con đường khác đúng không con. Tớ xúc động lắm.

 

Nỗi buồn thi cử chỉ ám ảnh tớ trong vài ngày. Tớ lấy lại sức rồi lao vào cày IELTs cho suất du học sắp tới. Tớ biết bố mẹ đã cố gắng để mang tới cho tớ một con đường khác. Nhưng tớ đã tự hứa với mình sẽ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, tham gia các khóa học kĩ năng để có thể giành được học bổng. Bố mẹ đã thất vọng về tớ một lần, tớ sẽ không để bố mẹ phải thất vọng lần thứ hai đâu!”.

 

Một năm phấn đấu - tại sao không?

 

Trở thành sinh viên không có nghĩa là thành công duy nhất. Trượt đại học không đồng nghĩa với việc bạn sẽ đánh mất tất cả. Sốc lại tinh thần và tạo một năm phấn đấu của riêng mình cũng là một ý kiến không tồi đúng không?

 

Trong khoảng thời gian đó, nhiều bạn đã học thêm vài ngoại ngữ mới, chinh phục những mảnh đất mới, kiếm thêm chút tiền song song với việc tham gia các lớp học để chuẩn bị cho việc thi lại, … Mỗi người sẽ có một năm phấn đấu của riêng mình.

 

Điều quan trọng là trong khoảng thời gian đó, bạn có thể có được sự chuẩn bị tốt hơn cho những dự định sắp tới. Biết đâu, trong một năm đó, bạn lại phát hiện ra rằng mình thích hợp với việc trở thành đầu bếp hơn là một sinh viên kinh tế, mình có thể trở thành một tình nguyện viên từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp thay vì trở thành một anh chàng kĩ sư trong tương lai…

 

“Khi một cánh cửa đóng lại, cũng có nghĩa là một cánh cửa khác sẽ được mở ra”. Chỉ đơn giản là một cú vấp ngã mà không ai mong muốn. Dẫu biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn để đối mặt với nó, nhưng dũng cảm là một trong những đặc điểm dễ nhận của teen thời đại mới đúng không? Tớ tin rằng những an ủi có thể sẽ trở thành thừa thãi, chỉ xin chúc bạn đủ, đủ dũng cảm, đủ tự tin !

 

Theo Thùy Dung

Mực Tím