Lạnh nhạt lời yêu thương

Khi lớn lên, tâm lý e ngại, sợ bị trêu, cùng tâm lý hướng ngoại khiến teen càng lúc càng xa khỏi mối quan hệ gia đình.

Thật dễ dàng để gửi một icon vòng tay ôm khi chat chit với nhỏ bạn thân, dễ dàng khi nhe răng cười toe toét khi nói với một đứa khác nữa là “Tao yêu mày nhiều lắm!”.

 

Và tuy không dễ dàng lắm, nhưng lời yêu thương vẫn được nói ra với người ta "Tớ thích cậu thật lòng”.

 

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ, cha mẹ, người lo cho bạn từng bữa cơm giấc ngủ, bên bạn sau những vấp ngã cuộc đời, lại chẳng bao giờ nhận được một lời cảm ơn.

 

Thế giới riêng

 

Sau khi từ trường học về, 9/10 teen đều chọn cách chui vào phòng riêng của mình, và sự gắn bó với gia đình trở nên lỏng lẻo sau cánh cửa phòng đóng sập lại. Trong phòng mình, teen thoải mái chơi đùa, học hành, giải trí hoặc nghỉ ngơi.

 

Và có phải chính bạn cũng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với đứa bạn cách cả nửa vòng trái đất, sẵn sàng an ủi và thức tới sáng nghe cho hết câu chuyện của anh chàng gà bông, nhưng hoàn toàn chẳng thấy sự mệt mỏi khi bố từ công sở về, không thấy mẹ tất bật cơm nước rồi giặt giũ, cũng chẳng biết rằng đứa em mình tới tuổi lớn cần nhiều chuyện sẻ chia.

 
Lạnh nhạt lời yêu thương  - 1
 

“Mình lớn rồi, ai mà lại đi làm những chuyện...sến như thế. Yêu thương phải được thể hiện qua hành động chứ”, N. Tú (trường BTX) nói.

 

“Khó nói lắm, thương ba thương mẹ chỉ cần cố gắng học giỏi và ngoan ngoãn thôi!”, V.Anh (trường LTV) giải thích.

 

Khi còn là một đứa trẻ, thật dễ dàng để đeo theo ba mẹ khắp mọi nơi và reo lên rằng con yêu ba mẹ lắm. Nhưng khi lớn lên, tâm lý e ngại, sợ bị trêu, một phần còn vì khi lớn lên thì tâm lý hướng ngoại càng nhiều khiến teen càng lúc càng xa khỏi mối quan hệ gia đình.

 

Và khi đó, đa phần các bạn chọn cách im lặng khi muốn nói ra một lời yêu thương. Tuy nhiên, ngược lại thì teen vẫn thích nghe một lời nói yêu thương từ ba mẹ.

 

“Mỗi lần tan học về trễ, mẹ nhỏ bạn tớ lại gọi điện, cưng yêu gấu yêu của mẹ, chừng nào con gái về để mẹ khỏi lo…Tớ biết là mẹ tớ cũng thương tớ nhiều lắm, nhưng giá như mẹ cũng có thể nói với tớ những lời như thế!”, T.Kim (lớp 10 trường LTHG) tâm sự.

 

Vậy thì, hãy là người bắt đầu trước để chính bạn sẽ nhận lại được như thế, vì gia đình cũng là nơi cần được dành thời gian vun vén, chăm sóc và yêu thương mà, phải không?

 

Nhưng bằng cách nào?

 

Bạn hãy tạo thói quen nói lời yêu thương, cảm ơn, chia sẻ quan tâm mỗi ngày giữa các thành viên trong gia đình. Một lần, hai lần đầu sẽ hơi ngại ngùng, nhưng sau đó thì việc này sẽ trở thành bình thường và hiển nhiên.

 

“Mình đi học về, sà vào lòng mẹ nhõng nhẽo mẹ ơi, con yêu mẹ, mẹ nấu món gì hôm nay thế? Mẹ tớ phì cười, gõ đầu tớ kêu ơ con bé này, lớn rồi mà ngộ thế. Nhưng nhìn trong mắt mẹ hạnh phúc lắm”, Q. Trâm (trường LQĐ) kể.

 

“Là con trai nên tớ chọn cách khác đi một tí,. Chẳng hạn khi nói chuyện, tớ luôn nhìn thẳng vào mắt bố. Điều này giúp bố vừa có cảm giác tin tưởng, tớ vừa như được chia sẻ và động viên”, N. Hải (16 tuổi, Tân Phú) nói. Điều này đơn giản và dễ thực hiện, bạn làm được mà, phải không?

 

Một cử chỉ quan tâm hay thân mật cũng có thể làm gần khoảng cách và khiến các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn. “Tớ vẫn hay tâm sự cho mẹ về những vui buồn, suy nghĩ, áp lực bài vở lẫn chuyện tình cảm ếch con cuả mình. Mẹ vừa nghe, vừa đưa ra những lời khuyên rất hữu ích”, Q. Chi (trường M) khoe.

 

Dẹp bỏ ngại ngần qua một bên, hãy để cho yêu thương được thể hiện, và thành một thói quen đáng yêu trong chính gia đình của mình, bạn nhé!

 

Theo Mực Tím