Nữ sinh viên làm mẹ

Phải lấy chồng, sinh con khi bản thân chưa có việc làm, mọi chi phí ăn học, nuôi con phải phụ thuộc vào gia đình khiến các nữ sinh viên gặp phải trăm bề khó khăn. Không chỉ có Thùy H, sinh viên ĐH KHXH-NV mà còn có Hà Phương M, trường KHTN, Nguyễn Lan T - ĐHQG…

Con đường dẫn vào nhà thờ Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội những ngày đón Noel trở nên nhộn nhịp. Hàng ngô (bắp) nướng của Nguyễn Thùy H (sinh viên ĐH KHXH-NV) cũng đông khách hơn mọi khi. Xoay xoay bắp ngô trên bếp than hồng, H tâm sự: Mai là sinh nhật con, thế mà giờ vẫn ngồi đây...

 

Nhìn H không ai đoán được tuổi của chị. Đỗ ĐH từ năm 1995, nhưng học đến năm thứ 2 thì lỡ... có bầu, nên H xin nghỉ học và làm đơn bảo lưu kết quả. Tạm biệt giảng đường, chị theo chồng về quê sinh con. Mấy năm sau, chồng chị sang Nga làm ăn. Không chịu cảnh ở nhà vò võ chờ chồng, đến năm 2004, chị quyết định một lần nữa bước vào giảng đường. Bạn chị học cùng khóa ngày xưa đều đã thành đạt, có người được giữ lại trường làm giảng viên, mỗi lần gặp họ, chị không khỏi chạnh lòng...

 

Bé Long xa mẹ đã 3 năm nay, hằng tuần chị lại vượt quãng đường 30 km về Bắc Ninh với con được một ngày lại trở ra Hà Nội. H cố gắng đến giảng đường đều đặn, nhưng thời gian dành cho việc học của chị không thể bằng những SV khác. Tuy nhiên, chị được nhiều SV trong lớp quý mến, giúp đỡ; người cho mượn tài liệu, người chép bài giùm nếu hôm nào con ốm chị không thể đến lớp.

 

Chi phí học hành của chị được chồng chu cấp, nhưng với suy nghĩ phải tự khẳng định mình, H đã làm thêm nhiều việc để có thêm thu nhập như làm gia sư, dịch báo... và cứ đến mùa đông, chị lại bán ngô nướng vào buổi tối để kiếm thêm chút tiền gửi về cho con.

 

Nhìn vẻ bề ngoài, không ai nghĩ Hà Phương M, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đã làm mẹ. Thấy tôi đến chơi, bé Tú ngoan ngoãn chào rồi quay lại góc phòng ngồi chơi với thú nhồi bông. Lấy chồng đã 3 năm, con hơn 2 tuổi, M đã trải qua những tháng ngày vất vả khi vừa lo việc gia đình vừa lo việc học. Chồng của M hiện đang làm thợ xây ở quê, thỉnh thoảng mới lên thăm hai mẹ con.

 

M kể, đã từ lâu, cô chẳng biết đến những cuộc vui chơi, sinh nhật hay tham gia hoạt động ngoại khóa, cứ tan học là vội về với con. Hằng ngày, M phải gửi bé Tú sang phòng bên cạnh, nhờ cô bạn đồng hương cũng đang là SV trông giúp. Bình thường thì không sao, nhưng khi con ốm, M lo rộc cả người.

 

M kể, có hôm con ốm không ôn được bài, khi vào phòng thi loay hoay mãi, may mà có cậu bạn ngồi cùng bàn thương tình nên làm được phần nào lại nhắc cho M phần đó. Hằng tháng, bố mẹ M vẫn phải gửi tiền cho hai mẹ con chi tiêu vì chồng M công việc không ổn định, lương thấp. Nhiều lúc cầm tiền mẹ gửi, M không cầm được nước mắt: “Nếu không vướng chuyện chồng con quá sớm, có lẽ mình sẽ không vất vả thế này...”.

 

Nguyễn Lan T nổi tiếng xinh đẹp, học giỏi ở khoa luật ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhận được thiệp mời của T khi cô đang học năm thứ 3, bạn bè người thì đoán là cô “vỡ đê”, người thì cho rằng T gặp được “đại gia” nên mới cưới vội như thế... Bỏ qua mọi lời đàm tiếu, T về Thanh Hóa làm đám cưới rồi trở lại học tiếp.

 

Vợ chồng T hiện sống trong một căn hộ nhỏ ở khu tập thể Giảng Võ do cha mẹ hai bên góp sức mua cho. Đến nay, con của T mới được 3 tháng tuổi, nhưng T vẫn phải đi học vì kỳ thi cuối cùng đang đến gần mà hầu hết các môn học đều thi vấn đáp: “Trước đây thi được 7 điểm là mình buồn lắm, nhưng giờ không phải thi lại là mình thấy may rồi!”.

 

Là những SV, đáng ra họ đang được sống những tháng ngày sôi nổi, đầy đam mê và mơ ước, nhưng đã lỡ mang gánh nặng chồng con, những bà mẹ SV đang phải đứng trước trăm bề lo toan.

 

Điều đáng nói là tình trạng SV kết hôn khi còn đang đi học ngày càng trở nên phổ biến. Lấy chồng, sinh con khi bản thân chưa có việc làm, mọi chi phí ăn học, nuôi con phải phụ thuộc vào gia đình khiến họ khó khăn trăm bề. Với họ, việc tiếp tục trụ lại giảng đường là một sự quyết tâm lớn. Họ cần được sự cảm thông và sẻ chia của nhà trường cũng như toàn xã hội.

 

Theo Người Lao Động