Thời gian: Vàng, ngọc hay chì?

“Thời gian là vàng?” Không hẳn. Quan niệm ấy đã đảo ngược hoàn toàn. Có thể hơn thế và có thể chẳng là cái đinh gì. Nhất là với người trẻ trong thế giới hiện đại!

Mình có thể thức đêm này qua đêm khác để ngồi trước máy tính, kiếm tiền. Nhưng sau đó có thể bỏ việc 1 tuần để đi chơi không mang theo cả mobile, tránh rầy rà công việc!” - Ngọc Thảo, một người bạn đang làm PR cho biết.

 

Nổ đồng hồ!

 

Đó là một khái niệm mới dành cho những người trẻ bận rộn. Thời gian ngập chìm trong công việc, cuộc sống với họ là vòng quay tất bật trưa với fastfood, tối với mì ăn liền và những giờ còn lại ròng rã bên máy tính, tiếp khách, chương trình làm ăn. “Hai mươi bốn giờ một ngày quá ngắn với tôi!”- một bạn trẻ nói.

 

Thời gian từ chỗ là vàng đã biến thành kim cương với những áp lực kinh khủng của công việc; đổi lại là những khoản lương, những cơ hội tốt mà nếu chậm chân trong khẳng định, cạnh tranh, thì sẽ bị đào thải hoặc bỏ lại phía sau.

 

“Mình phải chạy show vài ba công ty một lúc. Học cao đẳng công nghiệp ra, mình nghĩ cần phải cố gắng khẳng định nhiều nơi. Để không lo thất nghiệp. Công việc luôn luôn bù đầu khiến mình luôn stress” - T.Ty đang là nhân viên điều phối nhập khẩu hàng cho biết. Cuộc chạy đua vượt lên chính mình, sự năng động và những guồng quay thường nhật có khi làm cho người trẻ mất cả ý niệm thời gian và thiếu những phút giây sống cho mình, cho gia đình và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.

 

Chẳng lạ gì nhiều người tìm được nhiều tiền qua những “cơ hội kim cương” nhưng vẫn than vãn rằng: “Khổ quá, nhiều khi chẳng biết kiếm tiền làm gì? Cuộc sống nhiều khi cứ vùi đầu vào việc, không thở được, chẳng còn một ý nghĩa nào cả!”

 

Thời gian... đóng băng!

 

Ngược lại, có những người có thể bỏ công việc để vác ba-lô đi du lịch. Đối với họ, làm có tiền là để ném vào những thú chơi cá nhân yêu thích: du lịch, đi vũ trường, mua sắm hay nhậu nhẹt. “Người trẻ gì mà chán vậy, chỉ biết kiếm tiền và khư khư giữ tiền, thật vô nghĩa” - Bằng, một sale manager cho biết, sau khi tự nhận mình cực đoan!

 

Trong khi nhiều người trẻ quay cuồng trong cuộc vật lộn mưu sinh thì có một xu hướng ngược lại là nhiều người để thời gian đóng băng. Trường hợp này xảy ra với nhân viên văn phòng hay công chức trẻ. Đây là một bộ phận hờ hững và chẳng có cảm giác gì về thời gian, sự thúc hối; họ chọn tư thế cầu an và mỗi ngày của họ thường đi qua với một chút trách nhiệm, một chút nghỉ ngơi, một chút uể oải, một chút bằng lòng... Mỗi thứ một chút.

 

Một giảng viên đại học trẻ cho biết: “Sau khi đạt điểm cao tốt nghiệp, tớ được giữ lại trường. Trong thời gian chờ đi học nghiên cứu sinh thì tớ làm trợ lý giáo vụ và những việc lặt vặt ở văn phòng khoa. Công việc văn phòng, cầu an khiến tớ bị chai lì về sự phấn đấu và chẳng có gì áp lực cả. Đến khi nhà trường cho đi học thì tớ lại... có nhu cầu lấy vợ! Hiện tại, lương vẫn “tà tà” 2 triệu mỗi tháng và công việc thì vẫn công chức có khi còn hơn các thầy sắp về hưu!”.

 

Buổi sáng, la cà quán cà phê trong thành phố cũng dễ gặp hai loại người trẻ đối lập nhau: có người vừa uống cà phê vừa tranh thủ xách laptop theo, vào mạng và làm việc; họ vừa húp phở hay gặm bánh mì vừa gõ phím. Còn có những nhóm bạn ngồi la cà và tán vặt từ sáng đến trưa, đi ăn cơm và tiếp tục la cà cho đến tối... Một ngày trôi qua với họ tê liệt.

 

Chẳng biết tiếc nuối thời gian đang qua vô bổ. Thời gian đang đổ chì đối với họ. Nhưng với thành phần này, bản thân họ không thắng được sự cầu an đã đành, mà còn... không muốn tự thay đổi mình cho hợp với xu thế sống năng động và phong phú của người trẻ đương đại.

 

Thời gian là đồng, chì, vàng hay kim cương? Không ít người trẻ tập đứng lại và cân bằng để không bao giờ mở miệng ra là nghêu ngao bài ca buồn chán rằng cuộc sống không ý nghĩa. Thời gian vẫn trôi, nhưng với lối sống riêng, mỗi người lại có một cách cảm nhận về nó khác nhau.

 

Theo Nguyễn Vinh
Sài Gòn Tiếp Thị