Tinh binh sản xuất từ… xương?

Đó chỉ là một trong những lời “phóng đại” của các bạn đang bị “mơ huyền” về kiến thức giới tính.

Thưa bác sĩ, có phải tinh trùng được chiết xuất từ tủy xương trong cơ thể con trai không ạ? Đặc biệt là ở xương cột sống? Em còn nghe được thông tin là những động viên bóng đá, những người hoạt động thể thao nên tránh quan hệ tình dục vì quan hệ sẽ làm đầu gối ở chân mệt mỏi, không thể hoạt động mạnh được? Và nếu như quan hệ quá nhiều sẽ làm cho chân của đàn ông teo nhỏ lại, hoặc là run rẫy, mệt mỏi sau mỗi lần “hành động”? Liệu những thông tin ấy có chính xác? Em mong muốn được nắm bắt những thông tin thật chính xác. Xin cảm ơn Bác sĩ rất nhiều! (Yến Nhi, quận 12 TP.HCM)

 

Thông tin này đúng là “ba xạo”. Tinh trùng được sản xuất từ tế bào sertoli nằm ở thành ống sinh tinh, làm gì có chuyện từ tủy xương. Điều này được đưa vào sách rồi bạn Yến Nhi ơi.

 

Còn tại sao bắt vận động viên kiêng quan hệ tình dục trong những ngày thi đấu? Bởi quan hệ tình dục được coi là lao động nặng. Nó làm mất nhiều calories nên cơ thể lâm vào tình trạng thiếu năng lượng. Khi thiếu năng lượng thì ra sân chạy chậm hơn. Làm gì có vụ “chân teo nhỏ, run rẩy…” Có vẻ như bạn đang yêu một chàng vận động viên, người ngoài gièm pha nên nói vậy. (Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thúy Tươi tư vấn)

 
Tinh binh sản xuất từ… xương?
 

Bác sĩ ơi cho em hỏi, em bị mất kinh khá lâu khoảng 3 - 4 tháng em mới có lại, không biết em có bị bệnh gì hay không? Bác sĩ tư vấn giúp em ạ. (Phương Ly)

 

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thời tiết, tâm lý, sự căng thẳng trong học tập hay yêu đương có trắc trở…Đó là chưa kể bạn nào có người thương lại mang “cho người ta hết sạch”, mỗi lần “cho” sợ để lại “tác phẩm” bèn uống thuốc ngừa thai khẩn cấp thì mất kinh 3, 4 tháng là tác dụng phụ của thuốc. Bạn cứ đối chiếu xem mình rơi vào trường hợp nào thì mới “chẩn bệnh” chính xác được. (Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thúy Tươi tư vấn)

 

Em là sinh viên năm thứ II Đại học nhưng tính tình vẫn nhút nhát, sợ gặp gỡ mọi người. Tuy đã thử đi tình nguyện để nâng cao tính mạnh dạn nhưng vẫn không hiệu quả. Với em nếu nói chuyện qua tin nhắn qua chat thì còn có thể chứ nói chuyện trực tiếp với mọi người thì em không đủ can đảm. Vậy em phải làm sao tự tin hơn ạ? (Phan Thị Thu Trang)

 

Bạn đã tự “bắt bệnh” cũng như đã tự tìm cách chữa căn bệnh nhút nhát cho mình - đây là điều rất đáng khen vì không phải bạn trẻ nào cũng biết tìm cách khắc phục những khuyết điểm của bản thân. Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình của “bệnh nhân” cũng như mức độ của “căn bệnh” mà chúng ta sẽ phải “kê đơn” mạnh hơn thông thường thì mới chữa trị dứt điểm chứng bệnh đó được.

 

Nếu em đã đi tình nguyện để nâng cao tính mạnh dạn nhưng chưa hiệu quả thì hãy... mạnh dạn đi thêm nhiều lần nữa, vì một lần tham gia chiến dịch tình nguyện của chúng ta chỉ kéo dài một đến hai tháng thì sẽ rất khó để thay đổi nét tính cách đã hình thành trong 20 năm qua. Thế nên, liên tục tham gia các hoạt động tình nguyện là “tao thuốc” khá hợp lý đó.

 

Bên cạnh đó, hãy mạnh dạn tham gia tất cả những hoạt động, phong trào của trường, của khoa hoặc của lớp vì đây cũng là môi trường lý tưởng để em “bung” ra khỏi chiếc vỏ tự ti, nhút nhát và thể hện bản thân mình cũng như phát triển kỹ năng giao tiếp.

 

Một hình thức khác khá hiệu quả là em có thể đăng ký các lớp học về giao tiếp, nói trước công chúng hoặc những chương trình dã ngoại kỹ năng, teambuilding,... Học tập là con đường ngắn và hiệu quả để phát triển bản thân mình. Ngoài ra, hãy trau dồi thêm vốn sống, kiến thức bổ ích thông qua việc đọc sách để bạn có “nguồn vốn” dồi dào khi nói chuyện, giao tiếp với người khác nhé!

 

Hy vọng với những gợi ý trên, bạn sẽ sớm tách mình ra khỏi chiếc vỏ nhút nhát và tự tin toả sáng hơn nhé! (Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung tư vấn)

 

Tôi đã vô tình phạm một lỗi lầm không thể tha thứ và nó cứ ám ảnh tôi mãi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy khinh rẻ bản thân không dám đối diện với người mà tôi đã vướng phải sai lầm. Vậy tôi nên làm gì để có cách giải quyết tốt đẹp? (Tuyen)

 

Không biết lỗi lầm bạn vường phải là chuyện gì, có gây hại đến người khác ở mức độ nào mà khiến bạn có những cảm xúc như vậy. Tuy nhiên, khi chúng ta gây ra lỗi lầm nào đó và khiến người khác bị tổn thương, nếu chúng ta trốn tránh thì chỉ làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn thôi.

 

Bạn đã có một thời gian sống trong sự cắn rứt, tự khinh rẻ bản thân rồi, hãy tự tha thứ cho mình trước khi kiếm tìm sự tha thứ từ người khác, bởi nếu bạn còn không tha thứ được cho mình thì làm sao người khác tha thứ cho bạn được?

 

Những lỗi lầm đã qua là một bài học đắt giá cho chúng ta, vì thế, bạn hãy nhìn nhận lại bản thân mình trong chuyện đó, đúc kết được cho mình những bài học về nên và không nên trong đối nhân xử thế. Có như thế, bạn mới tránh được việc lặp lại hoặc phạm thêm bất kỳ sai lầm nào khác.

 

Thêm nữa, việc trốn tránh sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Thế nên, bạn hãy đối diện với vấn đề, đối diện với người mà bạn đã vướng sai lầm cùng một lời xin lỗi chân thành. Có thể người ấy sẽ tha thứ, có thể không, nhưng ít nhất bạn cũng sẽ biết tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ hiện tại của người ta như thế nào để điều chỉnh hành vi và thái độ của bản thân mình cho phù hợp trong mối quan hệ, giao tiếp với người ấy.

 

Và điều tiếp theo bạn phải làm đó là cư xử thật tốt với người ấy, dành những điều tốt đẹp nhất cho họ, giúp đỡ cho họ hết mình trong khả năng,.. như một cách chuộc lỗi. (Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung tư vấn)

 

Theo Mực Tím