Tự hào thế hệ tiếp nối của người lính Trường Sa năm xưa

(Dân trí) - Mong muốn hiểu rõ hơn về người cha đã hi sinh, hai anh em Xuân Đăng và Xuân Khoa tìm tới Trường Sa và cũng từ chuyến đi này hai anh nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với hải đảo.

Hai anh em Vũ Xuân Đăng và Vũ Xuân Khoa tự hào tiếp bước người cha là liệt sĩ Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604, từng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ năm 1988.

 

Đăng và Khoa đã có mặt trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Biển đảo của chúng ta" tối 7/6 để nói về những trải nghiệm trong cuộc hành trình đưa hai bạn đến với Trường Sa, trở thành những người lính quả cảm.

 
Anh Xuân Đăng (trái) và anh Xuân Khoa (phải) trong chương trình Biển đảo của chúng ta
Anh Xuân Đăng (trái) và anh Xuân Khoa (phải) trong chương trình "Biển đảo của chúng ta"
 

Cuộc trò chuyện với hai chiến sĩ tuổi đôi mươi ngay tại đảo Trường Sa Lớn gây xúc động cho rất nhiều khán giả theo dõi chương trình.

 

Anh Vũ Xuân Đăng bắt đầu nhập ngũ từ năm 2003 và hiện đang phục vụ trong lực lượng hải quân Việt Nam. Anh Đăng chia sẻ: "Cha mất khi tôi còn bé. Tôi được mẹ kể về cha, về sự hi sinh anh dũng của ông và từ đó tôi đã mơ ước trở thành một chiến sĩ hải quân.

 

Hình tượng về cha trong trí nhớ tôi không còn nhiều vì khi đó tôi còn quá bé nhưng câu chuyện về ông cho tôi niềm tự hào để vững bước".

 

Hai anh em Đăng và Khoa đã mong mỏi được tìm về với Trường Sa từ tấm bé để có thể tìm hiểu thêm về cha, liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Được có cơ hội được ra thăm Trường Sa, gặp những người đồng đội của cha và tận mắt chứng kiến công việc của các chiến sĩ hải đảo, Đăng và Khoa nhận ra rằng cuộc đời họ cần phải gắn liền với Trường Sa thân yêu.
 
Anh Xuân Đăng (trái) và anh Xuân Khoa (phải) trong chương trình Biển đảo của chúng ta
Anh Xuân Khoa chia sẻ với khán giả câu chuyện của gia đình mình thông qua cầu truyền hình từ đảo Trường Sa Lớn

 

Anh Vũ Xuân Đăng hiện nay đang công tác ngay tại nơi cha anh từng làm việc trước đây. Còn về phần người em trai Vũ Xuân Khoa, anh cũng đã hai lần đăng ký thi vào trường Hải Quân với mong muốn tiếp nối cha anh.

 

Tuy nhiên, anh không may mắn thi đậu. Nhưng với quyết tâm cao độ, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Khoa xin vào làm ở Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Khoa đã thuyết phục mẹ mình để được ra làm việc tại đảo Trường Sa với khát vọng được cống hiến sức trẻ cho Trường Sa.

 

Bà Vũ Thị Tần, vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ cũng tham gia cuộc trò chuyện và chia sẻ những cảm xúc của bà khi thấy hai con trai thả hoa tưởng niệm khi đi qua vùng biển mà chồng bà đã hi sinh. Bà Tần tự hào khi các con đã trưởng thành, nối tiếp công việc của cha.
 

Sau cuộc trò chuyện với gia đình họ Vũ, không ít bạn trẻ đã rơi nước mắt, những giọt nước mắt cảm thông với người mẹ một tay nuôi hai con trai khôn lớn, nước mắt tự hào về những đứa con trai của người lính Trường Sa.
 
Rất đông bạn trẻ có mặt ngay tại sân khấu để giao lưu, trò chuyện với các chiến sĩ Trường Sa
Rất đông bạn trẻ có mặt ngay tại sân khấu để giao lưu, trò chuyện với các chiến sĩ Trường Sa

 
Rất đông bạn trẻ có mặt ngay tại sân khấu để giao lưu, trò chuyện với các chiến sĩ Trường Sa
Bạn trẻ thả đèn hoa đăng tri ân những chiến sĩ đã hi sinh và những người đang cống hiến cho Trường Sa

 

Nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược, giá trị tiềm năng to lớn của biển đảo Việt Nam và cổ vũ lòng tự hào, tình yêu của nhân dân đối với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông, chương trình cầu truyền hình "Biển đảo của chúng ta" được tổ chức tối ngày 7/6, đúng vào tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2013.

 

Chương trình đã thu hút hàng trăm bạn trẻ Hà Nội trực tiếp tới sân khấu tham dự và phát sóng trực tiếp để khán giả cả nước theo dõi.

 

Thông qua cầu truyền hình này, những phóng sự về cuộc sống thường nhật trên đảo Trường Sa, câu chuyện của những người lính, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hoá hải đảo Việt Nam và rất nhiều bạn trẻ tình nguyện ra đảo học tập, làm việc... đã đến với khán giả cả nước, giúp chúng ta có thêm hiểu biết về Trường Sa thân yêu.

 

Mai Châm