Xu hướng hồi hương của lưu học sinh Trung Quốc ở Mỹ

(Dân trí) - Mason Xu, 29 tuổi, tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard năm 2003, đã từ chối hai lời mời làm việc tại Mỹ và trở về Trung Quốc để làm một chuyên gia phân tích tài chính cấp cao cho Intel tại Trung Quốc. Và Xu không phải là người duy nhất quyết định như vậy.

Những bạn người Trung Quốc học cùng lớp của anh cũng đã trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp. “Đó là một sự thay đổi lớn so với những năm trước đây là rất nhiều sinh viên Trung Quốc đã ở lại Mỹ để làm việc”, Xu nói.

 

Hồi hương vì lòng yêu nước?

 

Kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng với GDP nhảy vọt trên 9%/năm. Kéo theo đó là sự phát triển của các công ty trong nước và nước ngoài. Vì thế ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp MBA ở Mỹ đã trở về nước để “xí” một chỗ làm “ngon”.

 

Nếu ở lại Mỹ thì việc kiếm một chỗ làm “ngon” đối với họ là rất khó khăn. Một sinh viên giấu tên tốt nghiệp trường Wharton năm 2004 đã nói rằng: “Anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu lựa chọn con đường ở lại Mỹ. Vì là người Trung Quốc nên tôi chắc chắn sẽ có thể leo lên những vị trí cao vì tôi hiểu văn hoá và ngôn ngữ khi ở quê hương của mình”.

 

Ngoài ra, việc chính phủ Mỹ hạn chế cấp visa cho sinh viên nước ngoài để ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp cũng là môt lý do quan trọng khiến các sinh viên Trung Quốc muốn trở về quê hương sau khi tốt nghiệp.

 

Nhiều cơ hội đang chờ các thạc sĩ MBA Trung Quốc

 

“Câu hỏi quan trọng nhất đối với các sinh viên tốt nghiệp MBA ở nước ngoài khi về nước là liệu các công ty ở Trung Quốc có việc gì phù hợp cho họ hay không?”, George Wang, một sinh viên tốt nghiệp trường quản lý Kellogg năm 2002 nói.

 

Nếu tốt nghiệp trong năm 2004 và 2005 thì cơ hội cho các thạc sĩ MBA tốt nghiệp ở nước ngoài là rất lớn. Các công ty tư vấn và các ngân hàng đầu tư hàng đầu có văn phòng tại Trung Quốc cho biết họ đang cần tuyển người có bằng MBA.

 

Hãng Goldman Sachs đã thuê 30% sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học trong năm 2004 cho các văn phòng ở khu vực châu Á trong đó bao gồm cả những văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông. Còn các ngân hàng đầu tư nói rằng hơn 70% số người có bằng MBA mà họ sẽ tuyển đều phải tốt nghiệp các trường của Mỹ như Wharton, Harvard và Chicago.

 

Tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới Citigroup cũng đang rất cần tuyển người có bằng MBA để hỗ trợ cho các kế hoạch phát triển ở Trung Quốc trong năm nay và những năm tới. Theo bà Vivan Lo, giám đốc phát triển và đào tạo lãnh đạo thuộc Citigroup khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Citigroup đang muốn tuyển những người tốt nghiệp MBA ở nước ngoài vào một số vị trí trong các văn phòng ở Bắc Kinh, Thương Hải và Quảng Đông.

 

Cạnh tranh khốc liệt để có một chỗ “ngon”

 

Mặc dù nhiều cơ hội việc làm như vậy nhưng thị trường lao động cho các thạc sĩ MBA tốt nghiệp ở nước ngoài cũng rất khắc nghiệt. Họ sẽ vẫn phải cạnh tranh với nhau để kiếm việc. Một mặt là phải cạnh tranh với nhau nhưng các MBA tốt nghiệp ở nước ngoài sẽ còn phải cạnh tranh với các MBA tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước. Chắc chắn sẽ có những cuộc tranh cãi để xác định xem bằng MBA của Mỹ có xịn hơn bằng MBA trong nước không?

 

“Chúng tôi không thấy có một sự khác biệt nào. Nếu họ trải qua các cuộc kiểm tra, phỏng vấn và được tuyển chọn thì trình độ là như nhau”, Nevin Xiao, phó giám đốc nhân sự của Tập đoàn tài chính quốc tế Trung Quốc nói. Năm ngoái, Xiao đã tuyển khoảng 30 nhân viên tốt nghiệp MBA thì chỉ có một số là tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài.

 

Tuy nhiên, Vivan Lo tại Citigroup nói rằng: “Những người tốt nghiệp MBA ở nước ngoài ưu tú hơn vì họ được đào tạo trong môi trường kinh doanh quốc tế. Điều này sẽ giúp họ hiểu được những gì mà các khách hàng và cổ đông của chúng tôi mong muốn”.

 

Bị từ chối vì đòi lương cao

 

George Wang đã nói rằng: “Chúng tôi không mong muốn một mức lương cao khi về nước. Những công việc lương cao sẽ chỉ có khoảng 50 thạc sĩ MBA tốt nghiệp hàng năm mong muốn. Số còn lại là theo đuổi công việc ở các công ty hạng hai với mức lương hàng năm khoảng từ 40.000-50.000 USD hoặc thấp hơn. So với mức lương trung bình của một người Trung Quốc là 960 USD/năm thì mức lương “thấp” mà họ muốn theo đuổi cũng khiến cho nhiều công ty Trung Quốc... hết hơi.

 

Thực tế là một số công ty Trung Quốc đã hạn chế tuyển những thạc sĩ MBA tốt nghiệp ở nước ngoài. “Với mức lương của chúng tôi, chúng tôi không thể thuê được những người giỏi nhất” - E.J. McKay's Li đã nói vậy mặc dù ông hàng năm ông nhận được hàng trăm đơn xin việc từ các thạc sĩ MBA tốt nghiệp từ nước ngoài đang tìm việc.

 

Sở dĩ các MBA tốt nghiệp ở nước ngoài lại đòi lương cao như vậy là vì hầu hết đều phải vay nợ để đi học. Như trường hợp của Mason Xu, để có tiền đủ tiền ăn học ở Mỹ cho bản thân và vợ, hai vợ chồng anh đã phải nợ một khoản 70.000 USD. Chính vì khó khăn này mà các trường kinh doanh của Mỹ đã phải ra tay giúp đỡ rất nhiều.

 

Julie Morton, phó phòng tư vấn nghề nghiệp ở trường kinh doanh Chicago hồi tháng 3 đã dành 2 tuần ở Trung Quốc để thuyết phục khoảng 30 công ty tuyển dụng các thạc sĩ MBA tốt nghiệp từ trường Chicago. Không chỉ có trường Chicago mà ngày càng có nhiều trường đã tổ chức nhưng chuyến đi tương tự. Giám đốc nhân sự của Goldman Sachs khu vực Châu á, Rani Swords cho biết: “Bốn năm trước, chúng tôi chỉ tiếp xúc với 2 trường, nhưng bây giờ chúng tôi được 15 trường đào tạo MBA đề nghị”.

 

Đăng Minh

Theo BusinessWeek