Toyota và hành trình hơn 20 năm nỗ lực phát triển nhân lực ngành kỹ thuật ô tô

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn lực kỹ thuật viên chất lượng cao cho Toyota nói riêng và ngành kỹ thuật ô tô nói chung, Toyota Việt Nam tiếp tục mở rộng Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota (T-TEP) trong năm 2023.

Toyota và hành trình hơn 20 năm nỗ lực phát triển nhân lực ngành kỹ thuật ô tô - 1
Lễ khai trương Trung tâm đào tạo kỹ thuật Toyota (Ảnh: Toyota Việt Nam).

Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota là hoạt động nổi bật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, được bắt đầu triển khai từ năm 2000 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, với mục tiêu hỗ trợ công tác đào tạo chuyên ngành ô tô tại khối dạy nghề kỹ thuật, mang tới điều kiện học tập và thực hành tốt nhất cho các học viên nghề công nghệ sửa chữa ô tô.

Trong năm nay, Toyota tổ chức lễ bàn giao trung tâm đào tạo kỹ thuật cho 2 trường: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang (Khánh Hòa) và Trường Đại học Vinh (Nghệ An).

Toyota và hành trình hơn 20 năm nỗ lực phát triển nhân lực ngành kỹ thuật ô tô - 2
Lễ khai trương Trung tâm đào tạo kỹ thuật Toyota tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang (Ảnh: Toyota Việt Nam).

Theo đó, Toyota thiết lập và vận hành 2 trung tâm đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị mới nhiều thiết bị, dụng cụ hiện đại chuyên dụng của Toyota để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề về kỹ thuật sửa chữa ô tô.

Toyota sẽ chuyển giao tới trung tâm của 2 trường gói hỗ trợ cho các chuyên ngành kỹ thuật về sửa chữa chung (GJ) và kỹ thuật sửa chữa thân xe và sơn (BP) với tổng giá trị quy đổi khoảng 160.000 đô la Mỹ.

Toyota và hành trình hơn 20 năm nỗ lực phát triển nhân lực ngành kỹ thuật ô tô - 3
Lễ khai trương Trung tâm đào tạo kỹ thuật Toyota tại Trường Đại học Vinh (Ảnh: Toyota Việt Nam).

Chi tiết mỗi gói hỗ trợ gồm có 1 xe ô tô Innova, 3 bộ động cơ, 3 hộp số xe Toyota các loại, 1 thân xe Fortuner cùng nhiều bộ cánh cửa, tai xe và các bộ học cụ, đặc biệt là mô hình cắt hộp số, bảng thực hành điện, bộ chi tiết điện động cơ cắt bổ...

Cùng với đó là các bộ dụng cụ sửa chữa chuyên dụng của Toyota, dụng cụ đo và các trang thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa xe Toyota, giáo trình đào tạo để hướng dẫn học viên thực hành kỹ năng sửa chữa xe ô tô Toyota.

Đồng thời, Toyota đã đào tạo cập nhật và tập huấn cho đội ngũ giảng viên của các trường để có thể sử dụng, vận hành hiệu quả gói tài trợ và đào tạo cho sinh viên nghề sửa chữa ô tô, đáp ứng những tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn Toyota.

Tại lễ khai trương Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chia sẻ: "Chúng tôi trân trọng cảm ơn Toyota Việt Nam đã tin tưởng giới thiệu cơ hội hợp tác rất có ý nghĩa và đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường để từng bước hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota. Chúng tôi hy vọng rằng sự thành công của trung tâm sẽ góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu và sứ mệnh của nhà trường".

Trải qua hơn 20 năm, Toyota cho biết đã hỗ trợ hơn 1 triệu USD và 14 chiếc ô tô cho các trường để phục vụ công tác giảng dạy. Tính đến nay, chương trình đã triển khai thành công 11 trung tâm đào tạo kỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, với 3.200 sinh viên được đào tạo.

Trong đó hơn 900 sinh viên đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý Toyota, hàng nghìn sinh viên được phân công thực tập, hàng trăm giảng viên các trường được cập nhật kiến thức và kỹ năng sửa chữa xe.

Toyota và hành trình hơn 20 năm nỗ lực phát triển nhân lực ngành kỹ thuật ô tô - 4
Học viên khóa 1 của Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota (Ảnh: Toyota Việt Nam).

Kể từ khi thành lập, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Toyota Việt Nam cho hay đã nỗ lực thực hiện các hoạt động đóng góp cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực này, ngoài Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota, Toyota còn triển khai một số hoạt động khác như: Học bổng Kỹ thuật Toyota, Học bổng nghề Toyota,…