Bình Dương:

Xem xét trách nhiệm hình sự bảo mẫu để trẻ tử vong

(Dân trí) - Sau một đêm tỉnh dậy, thấy bé Nam vẫn ngủ li bì, bà Ánh bế bé đến trả lại cho bố mẹ. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng bé Nam đã tử vong vì chấn thương sọ não.

Xem xét trách nhiệm hình sự bảo mẫu để trẻ tử vong - 1
Sau 5 ngày cấp cứu, bé trai 16 tháng tuổi đã tử vong vì chấn thương nặng

Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đang tiến hành xem xét trách nhiệm hình sự đối với bảo mẫu Nguyễn Ngọc Ánh (60 tuổi, ngụ khi phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) trong vụ bé Phan Văn Bảo Nam (16 tháng tuổi) bị ngã gây chấn thương sọ não tại nhà trẻ tư nhân và tử vong sau đó.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định bà Ánh không phải là người trực tiếp gây ra cái chết của bé Nam. Tuy nhiên, thời điểm bé Nam bị ngã thì bà này đang nhận trông giữ.

Được biết, thời điểm xảy ra sự cố bà Ánh đã để bé Nam ở nhà chơi cùng cháu ngoại của mình (4 tuổi) rồi đi chợ. Khi về đến nhà thì thấy Nam có biểu hiện bất thường, ngủ li bì. Đến sáng hôm sau (8/9) thấy bé Nam vẫn không tỉnh dậy nên bà Ánh đã bế bé Nam đến trả cho bố mẹ bé là anh Phan Văn Lợi (29 tuổi) và Trương Thị Dung (22 tuổi).Theo bà Ánh, có thể trong thời gian bà đi chợ, bé Nam ở nhà đã bị ngã khi đi tiểu.

Ngay sau đó, vợ chồng anh Lợi đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Tại đây, các bác sĩ xác định bé Nam đã bị chấn thương sọ não, có máu tụ dưới màng não, thương tích quá nặng, lại chuyển đến bệnh viện muộn nên cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Sau 5 ngày nằm viện điều trị, bé Nam đã tử vong.

Trao đổi với ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Giao - về vụ việc này, ông Anh cho biết sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng phường Thuận Giao đã đến lập biên bản hiện trường. Do vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên ngay trong ngày đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên công an thị xã thụ lý.

Khi được hỏi về vấn đề nhà trẻ tự phát tại địa bàn, ông Anh thừa nhận trên địa bàn phường này hiện tại có khoảng 43 điểm giữ trẻ, trong đó chỉ có 6 điểm có phép, số còn lại là hoạt động “chui”.

Về thực trạng này, ông Anh lý giải, do dịa bàn có nhiều con em của công nhân lao động. Những người tìm đến gửi trẻ và nhận giữ trẻ chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng. Thậm chí khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ nhận là người thân trông coi giùm nên rất khó xử lý.

“Đặc thù công việc thường xuyên phải tăng ca, để thuận tiện và đảm bảo “nồi cơm” nuôi gia đình mà hàng nghìn lao động nghèo là dân nhập cư, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đã “nhắm mắt” đưa con vào những nhà trẻ không phép” - ông Anh khẳng định.

Trung Kiên