Bị tố “đuổi người phát cơm từ thiện” bệnh viện nói gì?

(Dân trí) - “Bao nhiêu người nghèo không có tiền mua cơm” nhưng “người phát cơm từ thiện luôn bị bảo vệ xua đuổi” là thông tin đang gây bức xúc cho cộng đồng mạng. Phía bệnh viện bác bỏ cáo buộc trên và cho biết có đủ cơm chay từ thiện giúp những người gặp cảnh khó khăn.

Tuần qua, trên facebook cá nhân Lily HM của một người mẹ có con từng điều trị tại Bệnh viện viện Chợ Rẫy đưa thông tin về những điều bà “mắt thấy tai nghe” trong quá trình chăm sóc con tại đây.

Theo chia sẻ của Lily HM: “Những người đi phát cơm từ thiện nhưng luôn bị bảo vệ xua đuổi. Họ phải luồn những hộp cơm từ thiện cho người nghèo dưới những cái lỗ của bức tường cổng số 6 bệnh viện. Họ làm điều thiện nhưng vẫn bị xua đuổi. Bao nhiêu người nghèo cần cơm ăn vì họ không có tiền mua cơm, phải để dành tiền chữa bệnh cho người nhà…”

Người nhà bệnh nhân xếp hàng nhận cơm chay trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 18/9
Người nhà bệnh nhân xếp hàng nhận cơm chay trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 18/9

“Tôi tự hỏi tại sao bảo vệ làm vậy? Rồi câu trả lời đơn giản nhất là nếu họ cho người phát cơm từ thiện thì làm sao căn tin bán được cho người nhà bệnh nhân. Ôi cái xã hội gì vậy? Đến làm việc thiện cũng khổ nữa là sao?” Những thông tin Lily HM nêu lên trên facebook được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ “chóng mặt”.

Để xác minh thực hư của vấn đề trên, phóng viên làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đại diện của bệnh viện là ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội cho hay: “Suất cơm từ thiện hỗ trợ cho những cô bác có hoàn cảnh khó khăn đi thăm nuôi bệnh tại Chợ Rẫy là hoạt động nhân văn được chúng tôi thực hiện mỗi ngày. Vì vậy, không thể có chuyện xua đuổi hoặc cho nhận một cách lén lút trong khuôn viên của bệnh viện”.

Theo đó, cơm từ thiện đã được Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai 8 năm qua. Hiện bệnh viện đang phối hợp với 4 đơn vị từ thiện gồm: Bảo Hòa, Nhơn Hòa, Họ Đạo Chợ Lớn, quán cơm Hạnh Dung cung cấp từ 4.200 đến 4.500 suất cơm chay miễn phí mỗi ngày.

Bếp ăn của các đơn vị từ thiện trên đều được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, an toàn trong chế biến, bảo quản và vận chuyển đến tay người sử dụng.

Mỗi ngày khoảng 4.200 đến 4.500 suất ăn chay miễn phí được phát cho thân nhân người bệnh
Mỗi ngày khoảng 4.200 đến 4.500 suất ăn chay miễn phí được phát cho thân nhân người bệnh

Việc phát suất ăn từ thiện được tổ chức từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều, thực hiện luân phiên theo 5 khung giờ gồm: Từ 5 giờ đến 6 giờ và 6 giờ đến 6 giờ 30 phút sẽ phát suất ăn sáng; 8 giờ đến 9 giờ 30 phút phát cơm trưa; 13 giờ 30 phút đến 15 giờ phát cơm chiều và 16 giờ đến 17 giờ phát cơm tối.

Theo ông Lê Minh Hiển: “Với số lượng suất ăn nêu trên, lâu nay bệnh viện đã đáp ứng đủ nhu cầu của thân nhân người bệnh. Ngay cả dịp lễ tết, hoạt động phát cơm từ thiện vẫn được duy trì đủ số lượng theo nhu cầu của bà con cô bác lưu lại bệnh viện.

Tuy nhiên thực tế, vẫn có một số tổ chức, cá nhân “phát tâm” mang cơm đến phát quanh bệnh viện. Hoạt động trên chưa thông qua bệnh viện nên không thể diễn ra trong khuôn viên bệnh viện. Mặt khác, suất ăn phát quanh bệnh viện nguồn gốc ra sao? chất lượng như thế nào? có đảm bảo vệ sinh hay không? rất khó cho việc quản lý an toàn thực phẩm”.

Khẩu phần một suất cơm chay thân nhân người bệnh nhận được
Khẩu phần một suất cơm chay thân nhân người bệnh nhận được

Liên quan đến vấn đề trên, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện, cho biết: “Trách nhiệm của bệnh viện là đảm bảo an toàn cho người bệnh và thân nhân người bệnh trong quá trình điều trị, thăm nuôi. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe của họ bao gồm cả ăn uống, ngủ nghỉ diễn ra trong khuôn viên bệnh viện cần phải tuân thủ các quy định”.

BS Thanh Việt đặt giả sử: “Thân nhân người vì khó khăn phải nhờ vào những suất cơm từ thiện nhưng thức ăn không đảm bảo chất lượng dẫn tới bị ngộ độc thực phẩm. Tình huống này nếu xảy ra, bệnh viện khó tránh khỏi điều tiếng và liên đới trách nhiệm song đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là bệnh nhân và gia đình họ bởi gánh nặng kép khi bệnh chồng bệnh. Để mọi sự giúp đỡ diễn ra tốt đẹp và đến được người cần giúp, mang lại hiệu quả thiết thực các tổ chức, cá nhân “phát tâm” vui lòng liên hệ với Phòng Công tác Xã hội”.

Vân Sơn