Bộ Y tế: Một số Vụ, Cục trả lời phản ánh chậm, phải đôn đốc nhiều lần

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đại diện Bộ Y tế cho biết, một số Vụ, Cục chưa đảm bảo đúng thời hạn yêu cầu trong việc trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, phải đôn đốc nhiều lần.

Ngày 1/12, tại TPHCM đã diễn ra tọa đàm lấy ý kiến và tìm các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Y tế.

Vì sao Bộ Y tế chưa công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân?

Bà Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng Bộ Y tế cho biết, tính đến tháng 10, cơ quan này đã áp dụng và đang công khai trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia 488 TTHC, giảm 38 TTHC so với năm 2022.

Các TTHC nêu trên thuộc 11 lĩnh vực, bao gồm: Dược; Mỹ phẩm; Y, dược cổ truyền; Khám chữa bệnh; Trang Thiết bị - Công trình; Khoa học Công nghệ và đào tạo; An toàn thực phẩm và dinh dưỡng; Tổ chức cán bộ; Truyền thông và thi đua khen thưởng; Tài chính y tế; Dân số - sức khỏe sinh sản; Y tế dự phòng.

Trong tháng 10, Bộ Y tế đã công bố mới 15 TTHC, sửa đổi, bổ sung 122 TTHC và bãi bỏ 43 TTHC.

Theo đại diện Bộ Y tế, 100% quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đều được cập nhật, công khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đầy đủ, đúng thời gian theo quy định.

Bộ Y tế: Một số Vụ, Cục trả lời phản ánh chậm, phải đôn đốc nhiều lần - 1

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Tuy nhiên đến nay, Bộ chưa tổ chức công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử định kỳ hàng tháng. Có 2 nguyên nhân được Bộ Y tế lý giải cho tình trạng trên.

Thứ nhất, chưa hoàn thành tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của các đơn vị lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Y tế. Thứ hai, chưa hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức và tổ chức tập huấn cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ số hóa hồ sơ, giấy tờ theo quy định.

Đại diện Bộ Y tế tiết lộ, trong năm 2022, kết quả cải cách TTHC của Bộ Y tế chỉ được xếp hạng 15/17 bộ ngành, giảm 9 bậc so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn được chấm 0 điểm, trên thang điểm 2.

Lý giải về nguyên nhân của sự tụt hạng này, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, thời điểm trên là lúc ngành y tế phải tập trung giải quyết các công việc phòng chống dịch bệnh, không có đủ nhân sự để thực hiện các cải cách thủ tục hành chính.

Trong năm 2023, Bộ đã tập trung rà soát, đánh giá, tái cấu trúc và cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC.

Bộ Y tế: Một số Vụ, Cục trả lời phản ánh chậm, phải đôn đốc nhiều lần - 2

Ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị về cải cách thủ tục hành chính (Ảnh: Hoàng Lê).

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, việc cải cách TTHC của ngành còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Có thể kể đến như việc chậm hoàn thành tích hợp 100% DVCTT khiến việc theo dõi, tổng hợp tình hình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHH… xảy ra chậm trễ, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Hàng tháng, Văn phòng Chính phủ trích xuất số liệu báo cáo từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, nhưng số liệu báo cáo tình hình giải quyết TTHC của Bộ Y tế không chính xác.

Việc triển khai bãi bỏ quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình số hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của nơi cư trú thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, do thời hạn sửa các văn bản quy phạm pháp luật quá ngắn;

Một số lĩnh vực mới và khó, mang tính chuyên môn kỹ thuật cao, liên quan đến phương pháp kỹ thuật, thuốc, vaccine và trang thiết bị y tế mới... chưa từng có tại Việt Nam. Nhiều vấn đề còn gặp khó trong việc cải cách TTHC ở lĩnh vực xét nghiệm HIV, thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ…

Các phần mềm giải quyết TTHC còn chưa hoàn thiện và khoa học, đường truyền bị lỗi. Thiếu công chức chuyên trách về cải cách hành chính và công nghệ thông tin tại các đơn vị.

Việc trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính của một số Vụ, Cục chưa đảm bảo đúng thời hạn yêu cầu, phải đôn đốc nhiều lần.

Bộ Y tế: Một số Vụ, Cục trả lời phản ánh chậm, phải đôn đốc nhiều lần - 3

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân HIV (Ảnh: VT).

Người dân chưa quen với việc sử dụng dịch vụ của bưu điện, tâm lý còn e ngại vấn đề an toàn thông tin. Ngoài ra, nhiều hoạt động xây dựng phần mềm không thể thực hiện được tiếp, do không có cam kết về nguồn kinh phí thanh toán khi nghiệm thu thanh lý hợp đồng…

Với thực trạng và các khó khăn nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát TTHC) tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ cải cách TTHC, chia sẻ thông tin cập nhật, hướng dẫn kịp thời liên quan đến các nhiệm vụ Chính phủ giao.

Ngoài ra, kiến nghị xem xét và sửa đổi Thông tư số 02 được văn phòng Chính phủ ban hành ngày 31/10/2017 về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC. Trong đó, bổ sung mẫu Quyết định công bố TTHC được thực hiện tại các Bộ ngành nhưng thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ khác.

Bộ Y tế cũng kiến nghị sửa mẫu Quyết định Công bố TTHC phù hợp với phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, để các Bộ, ngành thực hiện theo quy định chuẩn.