1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

TPHCM:

Đau nhói khi nấu cơm nhưng không vào viện ngay, người phụ nữ nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Người phụ nữ thấy đau nhói ngực khi đang nấu cơm tối nhưng không nhập viện ngay vì sợ tốn kém. Sau đó, bệnh nhân lâm vào nguy kịch.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 6/9, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vừa qua đơn vị đã cứu sống một trường hợp bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm.

Bệnh nhân là bà Đ.T.N. (59 tuổi, quê Bạc Liêu), hiện sống bằng nghề tạp vụ tại TPHCM.

Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân đang nấu cơm tối sau ca làm việc thì thấy ngực trái đau nhói kèm cảm giác khó thở. Bệnh nhân phải dừng nấu ăn để nằm nghỉ, nhưng không báo cho ai biết tình trạng của mình.

Đau nhói khi nấu cơm nhưng không vào viện ngay, người phụ nữ nguy kịch - 1

Bệnh nhân N. tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: T.Đ).

Sáng 5/9, người phụ nữ tiếp tục đau nhói ngực sau xương ức, với triệu chứng dữ dội hơn, không thuyên giảm. Vì hoàn cảnh khó khăn, sợ tốn nhiều tiền, bà N. không đồng ý vào bệnh viện. Nhưng thấy tình trạng vợ ngày một nặng nề, người chồng quá lo lắng nên nhất quyết đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, do tắc động mạch nuôi tim giờ thứ 3. Đây là bệnh lý cấp tính, nếu không cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bác sĩ Võ Tấn Được, khoa Nội tim mạch của bệnh viện cho biết, liệu pháp tốt nhất để điều trị trường hợp trên là phẫu thuật lấy cục máu đông trong lòng mạch máu, sau đó đặt stent tại vị trí tắc nghẽn để tránh tái phát.

Tuy nhiên, phương pháp này tốn chi phí rất cao, vượt quá khả năng chi trả của gia đình bệnh nhân. Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", các bác sĩ quyết định sử dụng liệu pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông cho bệnh nhân.

"Đây không phải biện pháp tối ưu nhất, nhưng có thể cứu sống người bệnh trong giai đoạn sớm của nhồi máu cơ tim, với chi phí thấp hơn so việc can thiệp mạch máu. Kỹ thuật này đã được các bác sĩ tim mạch áp dụng thành thạo hơn 10 năm qua", bác sĩ Được chia sẻ.

Đau nhói khi nấu cơm nhưng không vào viện ngay, người phụ nữ nguy kịch - 2

Bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết sớm (Ảnh: TĐ).

Sau khi được chuyển khẩn vào phòng hồi sức tim mạch để thực hiện phác đồ dùng thuốc tan máu đông, bà N. giảm dần các dấu hiệu tắc nghẽn mạch máu nuôi tim. Bệnh nhân hết đau ngực, không còn khó thở và vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Dự kiến, người phụ nữ phải nằm viện thêm ít nhất 1 tuần để điều trị hồi phục. Dù vậy, bệnh nhân còn rất nhiều nỗi lo về viện phí, khi không có bảo hiểm y tế.

Bác sĩ Lê Hồng Tuấn phân tích thêm, tai biến mạch máu nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng là bệnh lý rất nguy hiểm. Hiện nay, điều trị nhồi máu cơ tim bằng can thiệp động mạch vành qua da là biện pháp hiệu quả nhất, nhưng chi phí cao (trung bình 60-80 triệu đồng mỗi lần đặt stent).

Trong khi đó, điều trị tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu sau nhồi máu có hiệu quả giúp tan cục máu đông cao tương đương can thiệp mạch vành. Đây là cứu cánh cho các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến bệnh viện sớm.

Đau nhói khi nấu cơm nhưng không vào viện ngay, người phụ nữ nguy kịch - 3

Nhiều trường hợp bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim nhờ vào bệnh viện sớm được điều trị thành công nhờ thuốc tiêu sợi huyết (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhiều trường hợp bị đột quỵ, tắc động mạch phổi, kẹt van tim cơ học, nhồi máu cơ tim cấp đã được cứu sống nhờ thuốc tiêu sợi huyết.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động tầm soát nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ tại các trung tâm có đầy đủ trang thiết bị, xét nghiệm. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng đau ngực, khó thở, giảm khả năng lao động… hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, cấp cứu kịp thời.