1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Hơn 1.500 tỷ đồng đào tạo nhân lực ngành y tế TPHCM

(Dân trí) - Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, TPHCM đặt chỉ tiêu đến năm 2020 có 20 bác sĩ/10.000 dân, 250 tiến sĩ, 1.700 thạc sĩ... Dự kiến, kinh phí cho chương trình đào tạo nhân lực y tế thành phố đến năm 2020 khoảng 1.512 tỷ đồng.

UBND TPHCM vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực y tế của thành phố giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là chương trình).

Theo chương trình, TPHCM đề ra một số chỉ tiêu đáng chú ý như đến năm 2020 sẽ có 20 bác sĩ/10.000 dân, 35 điều dưỡng/10.000 dân; 100% bệnh viện hạng II trở lên có dược sĩ lâm sàng; 100% trạm y tế có 2 bác sĩ, có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi…

Trạm cấp cứu vệ tinh cửa ngõ phía Đông Sài Gòn đặt tại bệnh viện Quận Thủ Đức (ảnh Vân Sơn)
Trạm cấp cứu vệ tinh cửa ngõ phía Đông Sài Gòn đặt tại bệnh viện Quận Thủ Đức (ảnh Vân Sơn)

Bên cạnh đó, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố và quận - huyện có trên 70% tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I trở lên, có ít nhất 20% tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp II. Các trung tâm chuyên ngành và y tế dự phòng thuộc tuyến thành phố và quận, huyện có đủ bác sĩ làm việc, trong đó có ít nhất 50% tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa I, chuyên khoa II.

Để đảm bảo mục tiêu chương trình, ngành y tế TPHCM cần đào tạo thêm 18.320 bác sĩ, 194 cử nhân y tế công cộng, 40 dược sĩ lâm sàng. Đồng thời, chuẩn hóa năng lực chuyên môn sau đại học để có 250 tiến sĩ, 1.700 thạc sĩ, chuyên khoa cấp I là 4.416 người và chuyên khoa cấp II là 1.497 người…

Ngành y tế TP sẽ xây dựng các mô hình đào tạo mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, tiếp tục phát triển mô hình kết hợp Viện - Trường giữa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với Bệnh viện Nhân dân 115; đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Cùng với đó, thành lập khoa Dược cho Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Để nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế, TPHCM sẽ xây dựng chính sách tuyển dụng đặc thù, đãi ngộ tương xứng nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm, năng lực khám chữa bệnh trong và ngoài nước về công tác tại các cơ sở y tế thuộc TP, bằng nhiều hình thức linh hoạt như làm toàn thời gian, bán thời gian hoặc theo dự án, đề án cụ thể…

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chương trình khoảng 1.512 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 197 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 51 tỷ đồng, số tiền còn lại từ các nguồn khác.

Nhu cầu đào tạo tổng thể đến năm 2020 của ngành y tế TPHCM
Nhu cầu đào tạo tổng thể đến năm 2020 của ngành y tế TPHCM

Quốc Anh