1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Một bệnh viện không miễn viện phí cho bệnh nhân tiêu chảy cấp!?

(Dân trí) - Mặc dù đã có thông báo rộng rãi về việc miễn viện phí cho bệnh nhân mắc dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm song trên thực tế vẫn có những trường hợp phải đóng viện phí. Sự việc xảy ra tại bệnh viện Nam Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) là một ví dụ.

Tiêu chảy cấp vẫn phải đóng tiền

 

Ngày 4/11, chị Lê Thị Liên, 37 tuổi ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội nhập viện Nam Thăng Long trong tình trạng bị đau bụng và tiêu chảy liên tục. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị tiêu chảy cấp và phải điều trị cách ly hoàn toàn tại khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Ba ngày điều trị, ngoài uống thuốc, chị Liên phải truyền 16 chai nước.

 

Đến ngày 7/11, chị Liên thấy bệnh đã đỡ và xin ra viện. Khi làm thủ tục ra viện chị đã phải nộp 497.000đ tiền phí điều trị. Trước sự việc trên, anh Đỗ Thế Toàn, chồng chị Liên đã gặp Giám đốc bệnh viện và được trả lời rằng có nghe nói đến nhưng trên thực tế bệnh viện chưa hề nhận được một văn bản nào của Chính phủ hay của Bộ Y tế về việc miễn viện phí cho bệnh nhân điều trị tiêu chảy cấp.

 

Hơn nữa, bệnh viện Nam Thăng Long tuy chịu sự quản lý cuả nhà nước nhưng lại hoạt động theo hình thức tự thu, tự chi, tự hạch toán hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này vẫn phải nộp viện phí như thường lệ.

 

Không chỉ có trường hợp của chị Liên, theo Anh Toàn còn có một bệnh nhân khác, mặc dù có có bảo hiểm y tế học sinh nhưng vẫn phải nộp 20% tiền viện phí.

 

Tại cuộc họp khẩn cấp của UBND Thành phố diễn ra chiều 1/11, UBND TP quyết định: Toàn bộ bệnh nhân và người nhà bị mắc bệnh tiêu chảy cấp nghiêm trọng sẽ được khám chữa bệnh miễn phí tại các bệnh viện trên địa bàn thủ đô.

Bệnh viện không biết, trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ quản

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Chủ trương miễn phí cho bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm của Bộ Y tế đã Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

 

Theo đó, những bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nếu phải điều trị cách li, cho dù kết quả xét nghiệm là dương tính hay âm tính với vi khuẩn tả thì đều được miễn hoàn toàn viện phí. Bộ Y tế là cơ quan chỉ đạo chung và giao cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai đến các bệnh viện.

 

Đối với những bệnh viện là cơ quan chủ quản của các Bộ, ngành khác thì các Bộ, ngành phải có trách nhiệm triển khai đến các Sở và các Sở sẽ thông báo đến các đơn vị thuộc quyền chủ quản của mình.

 

Đối với trường hợp Bệnh viện Nam Thăng Long là cơ quan thuộc Bộ giao thông vận tải và Sở Giao thông Hà Nội phải có trách nhiệm triển khai sự chỉ đạo của Thủ tướng đến bệnh viện này. Và nếu bệnh viện Nam Thăng Long vẫn chưa nhận được công văn chỉ đạo thì Sở Giao thông Hà Nội là cơ quan phải chịu trách nhiệm.

 

Ai cũng biết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có tác động rất lớn tới đời sống của người dân và xã hội. Do dịch bệnh có khả năng lây lan, nhất là khi bệnh nhân không được cách li. Vì vậy, việc thực thi chính sách miễn nộp viện phí không chỉ giúp người dân mà còn nhằm mục đích hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

 

Vì nếu bắt người dân vào nộp viện phí khi nhập viện thì sẽ có những người trốn vào điều trị tại các cơ sở y tế. Sự việc xảy ra tại bệnh viện Nam Thăng Long cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, và đơn vị nào thiếu trách nhiệm thì cần phải xử lý nghiêm khắc.

 

Lan Hương - Phương Thu