Chuyên gia tế bào gốc Nhật Bản tự tử vì áp lực bị nghi đạo ý tưởng

(Dân trí) - Ngày 6.8, báo giới Nhật Bản đồng loạt đưa tin nhà khoa học Yoshiki Sasai, 52 tuổi được phát hiện đã treo cổ tử tự tại một phòng thí nghiệm tại Kobe, phía đông Nhật Bản.

Nguyên nhân tử tự được cho là ông Sasai không chịu nổi áp lực từ việc bị điều tra làm giả dữ liệu và ăn cắp ý tưởng kéo dài nhiều tháng qua. Được biết, ông Sasai đã được kết luận minh bạch trong cuộc điều tra này, song áp lực dư luận dồn lên ông vẫn vô cùng lớn. Trước khi cuộc điều tra đạo ý tưởng diễn ra, ông Sasai là người được cộng đồng khoa học thế giới rất kính trọng và nể phục. Ông là nhà khoa học nổi tiếng với công trình biến tế bào gốc thành những loại tế bào khác như mô mắt hay mô não bộ.
 
Nhà khoa học người Nhật Bản Yoshiki Sasai.
Nhà khoa học người Nhật Bản Yoshiki Sasai.
Tuy nhiên, mọi việc thay đổi kể từ đầu năm nay, sau khi một nghiên cứu do ông Sasai giám sát gây tranh cãi lớn. Cụ thể, với tư cách là phó giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển Riken, ông Sasai là người giám sát công trình nghiên cứu của Haruko Obokata, từng gây tiếng vang khi được công bố trên tạp chí Nature của Anh hồi tháng 1.2014. Theo nghiên cứu này, các tế bào gốc có thể sản sinh ra từ các tế bào trưởng thành bình thường bằng cách nhúng các tế bào trưởng thành bình thường vào acid trong vòng 30 phút.
 
Tuy nhiên, sau khi được công bố rộng rãi, nghiên cứu này ngay lập tức bị giới khoa học tỏ ra hoài nghi là có một số kết quả trong nghiên cứu là giả mạo. Ngay sau đó, Trung tâm Riken đã tiến hành điều tra vụ việc và đưa ra kết luận là tác giả đầu tiên của nghiên cứu là giáo sư Haruko Obokata là người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, còn ông Sasai không liên quan trực tiếp đến sự dối trá này. Tuy nhiên, ông Sasai vẫn vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ dư luận về việc lơ là giám sát ông Obokata và không chỉ ra được những điểm bất thường trong nghiên cứu này.
 
Ông Sasai đã phải lên báo chí chính thức xin lỗi dư luận về vụ việc này và cho biết cảm thấy vô cùng xấu hổ về những thiếu sót của mình. Tuy nhiên, dư luận vẫn không "bỏ qua" cho ông. Vụ bế bối được đăng tải trên trang nhất của nhiều tờ báo ở Nhật Bản trong thời gian dài và gây ảnh hưởng lớn đến uy tín về nghiên cứu khoa học của đất nước này.
 
Thu Trang