Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Chúc mừng tuổi thanh xuân báo Dân trí

Hôm nay, báo Dân trí kỷ niệm 18 năm thành lập, một dấu mốc có nhiều ý nghĩa trọng đại vì tuổi 18 vẫn thường được quy định là khởi điểm cho giai đoạn trưởng thành của đời người. Không phải là bạn đọc của báo từ những ngày đầu tiên nhưng hơn 10 năm qua, biểu tượng dẫn đến website Dân trí đã luôn hiện diện trên thanh công cụ truy cập internet trong các máy tính của tôi.

Mỗi độc giả thường bị thu hút bởi một tờ báo nào đó vì những lý do nhất định, cho nên chỉ có thể dựa vào ấn tượng cá nhân chứ rất khó khái quát thành những đặc điểm phổ quát để giải thích vì sao tôi lại gắn bó với Dân trí trong vai trò độc giả.

Thực tế nêu trên cũng dễ hiểu bởi để thực hiện chức năng chính của mình, mỗi tờ báo luôn xác định những hệ giá trị, quan điểm riêng, không chỉ để làm nền tảng cho mọi hoạt động, thu hút và hình thành những nhóm độc giả mục tiêu, mà còn để tự phân biệt với những tờ báo khác. Có thể gọi đó là bản sắc của mỗi tờ báo và chính bản sắc riêng sẽ định vị chỗ đứng của tờ báo trong tâm trí độc giả. Lần giở lại ký ức của tôi từ trước đến nay thì báo Dân trí đọng lại ba ấn tượng chính.

Chúc mừng tuổi thanh xuân báo Dân trí - 1

Đội ngũ những người làm báo Dân trí (Ảnh: Tuấn Nguyễn)

Thứ nhất, đây là tờ báo vốn gắn với Hội khuyến học Việt Nam. Sự kết hợp của hai cụm từ "Dân trí" với "Hội khuyến học" đã đem đến cho tờ báo một sắc thái thanh tao, một sự hình dung rất khác biệt, từ đó tạo ra những thiện cảm nhất định đối với một người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy như tôi. Nói cách khác, ấn tượng đầu tiên khiến tôi quan tâm và đọc Dân trí bởi vì tờ báo là nơi đăng tải tiếng nói của những người làm công tác khuyến học, thúc đẩy xã hội học tập.

Trên hành trình phát triển cho đến nay, báo Dân trí có hai cột mốc quan trọng. Ngày 15/7/2008 được Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức cấp phép thành báo điện tử, và ngày 15/7/2020 đánh dấu bước chuyển mình khi Bộ Thông tin và Truyền thông trao giấy phép hoạt động mới và báo chuyển cơ quan chủ quản từ Hội Khuyến học Việt Nam về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Là bạn đọc thường xuyên, tôi nhận thấy sau khi chuyển cơ quan chủ quản, Dân trí đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, mở rộng diện thông tin trên mặt báo. Thông tin về các vấn đề xã hội và hoạt động của ngành LĐ-TB&XH được tăng cường nhiều hơn nhưng tờ báo vẫn không bị phai nhạt bản sắc riêng đã được vun đắp suốt 18 năm vừa qua.

Thứ hai, từ rất lâu rồi, báo Dân trí đã tổ chức thành công Chương trình nhân ái, gây được tiếng vang rộng rãi, thu hút sự chú ý và đóng góp từ nhiều cá nhân, tập thể trong xã hội.

Tôi nhớ trước đây đã từng đọc rất kỹ những hoàn cảnh khó khăn do báo phản ánh, cách thức mà cán bộ, phóng viên của báo triển khai hoạt động hỗ trợ. Sự thành công của Chương trình nhân ái đã khiến nó từng trở thành chủ đề mà tôi và một số đồng nghiệp - những nhà nghiên cứu về các vấn đề xã hội, thảo luận về cách thức các thiết chế báo chí ở nước ta có thể hỗ trợ chính quyền trong việc thực hiện các hoạt động nhân đạo, qua đó thúc đẩy sự gắn kết xã hội.

Ấn tượng thứ ba là giao diện của tờ báo, cho dù không đậm nét bằng hai ấn tượng nêu trên. Cảm giác tổng thể về Dân trí trước đây là sự giản dị nhưng không đơn điệu, không nhàm chán. Còn giao diện hiện tại rất trang nhã với màu xanh chủ đạo từ tên báo đến các đề mục, tạo sự khác biệt rất đậm nét cho nên rất dễ nhận biết Dân trí trong vô vàn tờ báo mạng hiện nay.

 Bên cạnh đó, các chuyên mục, nội dung được trình bày cũng rất dễ theo dõi, bố cục ngăn nắp cho nên rất dễ tìm kiếm, và đặc biệt là không bị quảng cáo tự động xuất hiện gây khó chịu cho người đọc.

Chúc mừng tuổi thanh xuân báo Dân trí - 2

Lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ và Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí cùng trao thẻ BHYT cho các em học sinh, ngày 5/9/2022 (Ảnh: Hữu Khoa).

Tôi bắt đầu viết cho báo Dân trí từ tháng 8 năm 2022, sau khi rất ngạc nhiên với lời đề nghị lịch sự, đầy trân trọng từ một phóng viên của báo. Lời đề nghị viết bài về đề tài "Miễn nhiệm, từ chức" trong công tác cán bộ ở nước ta, vốn là chủ đề không những khó mà còn khá "nhạy cảm", nên không nhiều người thích viết theo diễn biến thời sự.

Sau một số bài thì báo Dân trí đã lập "không gian riêng" cho tôi với tư cách là cây bút cộng tác thường xuyên. Cũng từ đó, tôi tập trung viết về các vấn đề xã hội, công tác cán bộ, quản lý công như một cách để thiết lập bản sắc của mình với tờ báo.

Mục "Tâm điểm" trên báo Dân trí, nơi mà tôi gắn bó, rất thú vị trước hết bởi nó cung cấp một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, chuyên gia độc lập, doanh nhân, nhà báo…chia sẻ những quan sát, bình luận, phân tích về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi vấn đề có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau nhưng các bài trên "Tâm điểm" đều được cá nhân hóa cao độ, qua đó tác giả cung cấp thêm một cách nhận thức về vấn đề mà chúng ta đang đối diện, gợi mở những ý tưởng giải pháp để có thể góp phần giải quyết vấn đề.

Bên cạnh "Tâm điểm" thì tôi cũng đặc biệt thích "Dân trí Spotlight", "Dmagazine", "Infographic", "Dbiz", và "Photo Story". Đó là những sản phẩm báo chí hiện đại, kết hợp truyền thông đa phương tiện, được trình bày và bố trí rất khoa học, đem đến cho người đọc sự thích thú bởi những thông tin mới mẻ,  hàm lượng tri thức sâu sắc, cùng với hình ảnh, biểu đồ minh họa rất đẹp, chứ không chỉ giới hạn ở những dòng chữ đơn điệu, tẻ nhạt.

Vì thế, cá nhân tôi thấy Dân trí là một trong những tờ báo điện tử đi đầu ở nước ta trong tiến trình đa dạng hóa và hiện đại hóa các sản phẩm báo chí nhằm phục vụ độc giả ngày càng phân hóa đa dạng và trở nên khó tính hơn.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nơi mà các trang báo điện tử ngày càng phổ biến và xuất hiện nhiều hơn. Sự thông dụng của máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, và sự phát triển của internet giúp các báo điện tử có thể tiếp cận số lượng độc giả không bị giới hạn, cả về không gian và thời gian.

Sức mạnh của mỗi tờ báo hẳn nhiên sẽ được gia tăng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, đi kèm với những ưu điểm của báo chí điện tử trong kỷ nguyên số cũng là những thách thức.

Tôi cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất với Dân trí ở tuổi 18 vươn vai trưởng thành là phải tiếp tục duy trì và vun đắp được những giá trị nền tảng, đã tạo nên bản sắc và ấn tượng tích cực cho tờ báo kể từ khi thành lập.

Những giá trị căn cốt đó là khuyến học, khai minh, hướng đến sứ mệnh góp phần nâng cao dân trí. Cũng có nghĩa, báo Dân trí cần hướng đến số đông độc giả để trở thành tờ báo của đại chúng, chứ không nên tự bó buộc mình bằng cách chỉ tập trung vào một số nhóm độc giả đặc thù nào đó như nhiều tờ báo khác.

Nói cách khác, những nội dung và cách thức mà tờ báo truyền tải đến độc giả cần phải gắn bó chặt chẽ với tên gọi "Dân trí", tức là phụng sự nhu cầu thông tin và tri thức của quảng đại quần chúng nhân dân, khuyến khích tinh thần ham học, thúc đẩy xã hội học tập, hướng đến sự khai minh trên quy mô cộng đồng. Cũng có nghĩa, báo Dân trí không được phép để xảy ra bất kỳ vụ việc nào khiến độc giả liên hệ với các mối quan hệ lợi ích, nơi mà tờ báo bị biến thành phương tiện để phục vụ sự tranh giành, đấu đá lợi ích một cách thiển cận, vị kỷ.

Hẳn nhiên, trên đây là kỳ vọng và mong muốn của cá nhân tôi - một bạn đọc đã có thời gian gắn bó lâu dài với tờ báo. Thiển nghĩ, để có thể kiên định được với sứ mệnh khai minh, báo Dân trí sẽ phải cân bằng được ba thách thức then chốt: giữ gìn những giá trị nền tảng và vun đắp bản sắc truyền thống, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao bởi cơ quan chủ quản, và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ngày càng trở nên đa dạng, thậm chí phức tạp hơn trong xã hội thông tin ngày nay.

Cho dù có phải thích ứng với những thách thức mới, tôi cho rằng ý thức bảo vệ bản sắc và kiên định sứ mệnh gắn với tên gọi của tờ báo chắc chắn vẫn sẽ là yếu tố hàng đầu giúp Dân trí có thể tồn tại bền vững trong tâm trí độc giả.

Nhân dịp kỷ niệm 18 năm thành lập, tôi xin chúc mừng báo Dân trí! Chúc Dân Trí vươn cao, vươn xa hơn nữa và ngày càng được nhiều bạn đọc biết đến để rồi yêu mến và gắn bó trong tiến trình phát triển.

Tác giảÔng Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!